Navigation

Chết không xong mà sống cũng không được vì con

Chúng tôi hay đúng ra là tôi chết không xong mà sống cũng không được vì 2 thằng giặc nhà này. Không vâng lời, cãi trả, bỏ học, lại còn tập tành dính vào nghiện hút nữa. Nhưng điều làm tôi đau khổ nhất vẫn là mẹ của chúng nó. Binh con chằm chằm. Chiều con quá mức. Hai đứa 13, 15 tuổi rồi mà còn cơm bưng, nước rót. Hễ muốn gì là được nấy. Không thì cả nhà sẽ trở thành bãi chiến trường, vì vậy mà tôi gọi chúng nó là “giặc”. Nhiều lần nói, cãi, chửi nhau mà cũng không xong, bây giờ tôi buông xuôi. Nhưng trước khi buông xuôi, tôi muốn hỏi ý kiến là tôi có nên làm như vậy không? Vì tôi vẫn thương gia đình và hai đứa con.

Khổ vì con
Đáp: 
Đúng ra trong trường hợp này nên gọi là “khổ vì vợ” hơn “khổ vì con”. Ai có qua nỗi đoạn trường này rồi mới thấy thương, thấy xót xa. Hai câu nói ông bà mình ngày xưa dạy rất đúng: “Nối giáo cho giặc” và “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Nối giáo cho giặc: Người nối giáo cho giặc đó chính là bà xã của người khổ vì con.  Thù trong sợ hơn giặc ngoài. Trong trường hợp này, người phụ trách khuyên cả hai vợ chồng phải được qua một khóa huấn luyện về bổn phận, trách nhiệm, và nghệ thuật làm cha mẹ. Làm thế nào để hiểu tâm lý và cách thức giáo dục con. Thí dụ, những Khóa Nazareth, những Khóa Renewal Marriage, hay những khóa dạy về nghệ thuật làm cha mẹ. Chỉ khi nào hai vợ chồng hiểu rõ trách nhiệm, bổn phận, và cách thức giáo dục con cái, đồng thời có cùng một đường lối giáo dục thì mới ổn định được tình hình hỗn loạn trong gia đình. Hai cậu ấm đang tuổi dậy thì, tuy chưa quá muộn, nhưng nếu vợ chồng không nghiêm chỉnh và quan tâm về chuyện này thì cả hai sẽ còn “khổ vì con” dài dài. 

Thuận vợ thuận chồng: Câu nói của tiền nhân để ứng dụng vào cung cách xã giao, làm ăn, buôn bán và ứng xử xã hội. Nhưng nếu đem áp dụng vào lãnh vực tâm lý giáo dục cũng rất hợp. Bởi vì, nguyên tắc giáo dục căn bản nhất và hữu hiệu nhất vẫn là sự đồng thuận giữa hai vợ chồng. Không ai có thể thay thế vai trò người mẹ, hoặc ngược lại cũng không ai có thể coi thường vai trò người cha. Đứa con sinh ra phải có cha có mẹ, thì để giáo dục nó cũng cần phải có cả cha lẫn mẹ. Nguyên tắc giáo dục chính cốt nằm ở chỗ đó.

Bây giờ thì người “khổ vì con” đã biết cái khổ ấy ở đâu ra và làm cách nào để tránh khổ. Nói theo kiểu phim chưởng, thì cứ làm như vậy, như vậy, và như vậy… thì sẽ bớt khổ.

Ngưòi phụ trách: 
Trần Mỹ Duyệt
Share
Banner

Post A Comment:

0 comments: