Navigation

GIA ĐÌNH LÀ MỘT HỘI THÁNH TẠI GIA


Trong Tông Huấn FAMILIARIS CONSORTIO số 50, có đề cập đến: Gia đình Kiô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Hội Thánh và xã hội cả từ trong yếu tính lẫn trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu…
Và số 49: Giữa các trách nhiệm căn bản của gia đình Kitô hữu, có một trách nhiệm có thể nói là có tính cách Hội Thánh, vì trách nhiệm này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, bằng cách dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh làm cho gia đình trở thành một “Hội Thánh tại gia”.
Trong Hiến chế Mục vụ, số 48, Công đồng Vatican II nhắc lại: Hôn nhân Kitô giáo là hình ảnh giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Qua tình yêu toàn vẹn, không chia sẻ, trung thành và mở ngỏ với sự sống của vợ chồng, qua sự hiệp nhất và sự hợp tác giữa mọi thành phần trong gia đình, gia đình Kitô hữu làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Hội Thánh.
Như thế gia đình Kitô hữu xây dựng Nước Thiên Chúa ngay trong môi trường tại thế của mình, qua các thực tế của cuộc sống. Được tham dự vào sứ mạng tiên tri, tư tế và vương đế của Đức Kitô và của Hội Thánh. Vợ chồng phải diễn tả và thực hiện ba chức năng ấy ngay trong tình yêu hôn nhân và gia đình khi chính họ sống những giá trị phong phú và những đòi hỏi của tình yêu ấy.
Theo Công Đồng Vaticanô II nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng. Vậy khi gọi gia đình là Hội Thánh tại gia, Công Đồng cũng có ý nói gia đình có bổn phận dạy đạo cho con cái mình. Muốn được như vậy các cha mẹ phải chuyên cần học hỏi Lời Chúa, nghe giảng, đọc Kinh Thánh và các sách đạo đức để có khả năng hướng dẫn giáo lý cho con cái.
Cha mẹ phải dạy cho con cái về những chân lý về Chúa, về con người, nhất là về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Cha mẹ là thầy dạy đức tin cho con cái.
Cha mẹ phải quan tâm đến việc thánh hoá con cái, lo cho chúng được lãnh nhận và siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích giải tội và bí tích Thánh Thể, giúp chúng giữ mình sạch tội, tạo những điều kiện để chúng được thăng tiến trong đời sống đức tin, công bằng và bác ái.
Là linh hướng của con cái, cha mẹ cần đào tạo cho con cái có một lương tâm ngay chính, cố vấn cho các con trong việc phân biệt phải trái, tốt xấu; đôn đốc con cái làm việc lành, hướng dẫn chúng lựa chọn ơn gọi,cũng nhưng khi chúng dự tính chuyện hôn nhân.
Nhờ Bí Tích Rửa Tội và Hôn Phối, gia đình được tháp nhập với Chúa Kitô như cành nho với cây nho. Nhờ Ngài toàn thân được ăn khớp và se kết với nhau (Ep 4, 16).
Là Hội Thánh tại gia, gia đình cũng mang những đặc tính của Hội Thánh: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới xa lạ và đôi khi thù nghịch với đức tin. Gia đình tín hữu có vai trò quan trọng nhất, vì là những ngọn đuốc đức tin sống động và chiếu sáng. Trong gia đình như một Hội Thánh nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con.

Lm. Hilario Hoàng Đình Thiều
Gia trưởng Gia Đình Nazareth Việt Nam
Tu Đoàn Naza

Share
Banner

Post A Comment:

0 comments: