Đến với Thánh Giuse
Đức Cha GB. BÙI TUẦN
Thánh Giuse là một người thợ mộc, gia trưởng của một gia đình bé nhỏ. Tuy là bé nhỏ, gia đình này chính là điểm xuất phát của cuộc hành trình cứu độ, mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên trần thế. Thánh Giuse đã góp phần mình vào hành trình cứu độ này. Đóng góp của thánh Giuse đã hết sức âm thầm. Tuy rất âm thầm, nhưng lại rất lớn.

Càng nhìn ngắm thánh Giuse, tôi càng thấy Ngài như một kho tàng, như một trường học. Ngài toả ra một thứ ánh sáng đặc biệt. Ánh sáng đặc biệt đó thu hút tôi vào nội tâm Ngài. Trong cõi nội tâm thinh lặng, thánh Giuse chỉ vẽ cho tôi hành trình phải đi.
Đã là hành trình tu đức, mục vụ và truyền giáo thì luôn luôn phải khởi đầu bằng việc lắng nghe ý Chúa, và thực thi đúng ý Chúa Thánh Giuse đã làm gương về điều đó. Phúc Âm thánh Matthêu ghi lại ba trường hợp quan trọng:
Trường hợp thứ nhất xảy ra trước sinh nhật Chúa Giêsu. "Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: ‘Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con mà bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người cho khỏi tội lỗi của họ...’. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà’ (Mt 1,18-24).
Trường hợp thứ hai xảy ra khi vua Hêrôđê tìm giết hài nhi Giêsu. ‘Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho Giuse rằng: ‘Này ông, hãy dậy đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài nhi đấy’. Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập’ (Mt 2,13-14).
Trường hợp thứ ba xảy ra khi vua Hêrôđê băng hà. ‘Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: ‘Này ông, hãy dậy, đem Hài nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết rồi’. Ông liền chỗi dậy đưa Hài nhi và mẹ Người về đất Israel’ (Mt 2,19-21).
Trên đây chỉ là những trường hợp sứ thần nói với thánh Giuse và thánh Giuse đã vâng theo. Còn chính Chúa Giêsu nói trực tiếp với thánh Giuse, và thánh Giuse đã đón nhận, thì đó là sinh hoạt thường ngày suốt mấy chục năm trong gia đình thánh. Thực là một hạnh phúc tuyệt vời. Bởi vì, Chúa Giêsu quả quyết: ‘Hạnh phúc cho những ai lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ Lời Chúa’ (Lc 11,28). Hạnh phúc này được cảm nghiệm một cách sâu sắc, khi sự lắng nghe ý Chúa và thực thi ý Chúa dẫn vào sự thông hiệp với sự sống Thiên Chúa.
Khi nghĩ về sự thông hiệp này, tôi nhớ tới những lần rước lễ sốt sắng, với tất cả tấm lòng khiêm tốn, đầy niềm tin vào tình yêu thương xót Chúa. Lúc ấy đúng là một đón nhận hồng ân cao cả, đúng là một sự xuất hành thiêng liêng, mình ra khỏi chính mình, để được dẫn vào một sự sống mới.
Cảm nghiệm thoang thoảng đó cho phép tôi hiểu về sự thông hiệp của thánh Giuse với Thiên Chúa của Ngài.
Thông hiệp này là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Gặp gỡ này biến thành phượng thờ và cầu nguyện. Tất cả nhờ Thánh Thần của Chúa Giêsu. Nơi thánh Giuse, phượng thờ và cầu nguyện trong nội tâm, kéo dài ngày đêm trong suốt cuộc đời.
Tôi tin rằng: Chính trong bầu khí phượng thờ và cầu nguyện nội tâm đó, mà thánh Giuse đã nhận được ơn khôn ngoan và được mở lòng mở trí. Sau này thánh Phaolô đã tả những ơn đó trong thư gởi giáo đoàn Ephêsô: ‘Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần trí khôn ngoan, để mạc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là miền hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng các thánh, đâu là quyền lực vô song lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những người tin’ (Ep 1,17-19).
Tôi tin thánh Giuse đã được soi lòng mở trí, đã được sự khôn ngoan, để biết cách bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đúng cách mà Chúa muốn.
Nhìn cuộc đời thánh Giuse, tôi thấy ơn gọi của thánh Giuse là một hành trình dài. Ơn gọi đó đã phát xuất từ chính Thiên Chúa. Thánh Giuse không bao giờ đã vận động cho mình ơn gọi đó. Ngài cũng chẳng bao giờ ham muốn được ơn gọi đó. Chúa gọi, và Ngài đã xin vâng. Rồi Chúa soi cho Ngài biết từng chặng đường phải đi. Tất cả các chặng đường đó đều hướng về một đích điểm. Đó là việc Chúa Giêsu dâng mình làm của lễ cứu chuộc trên thánh giá, để phục sinh cho nhân loại lỗi lầm.
Thánh Giuse đã không tiếc gì trong việc góp phần mình vào hành trình cứu độ của Chúa Giêsu. Nhiệt tình mà khiêm tốn. Năng động mà âm thầm. Phục vụ mà kín đáo.
Hôm nay thánh Giuse vẫn sống động trong Hội Thánh. Đối với Giáo Hội Việt Nam, không những Ngài là Quan thầy phù trợ, mà còn là vị Gia trưởng thân thương gần gũi đang chia sẻ cuộc đời chúng ta. Một cuộc đời với nhiều lo toan, với nhiều trắc trở, với nhiều ước mơ và phấn đấu.
Hãy đến với Ngài.
Hãy học nơi Ngài.
Hãy cậy trông ở Ngài.
Ngài đang âu yếm kêu gọi và đợi chờ chúng ta.
Thánh Giuse, nhạy bén và kiên quyết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Trong nghi thức làm phép ảnh tượng các thánh, thừa tác viên Giáo Hội cầu nguyện:“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, chúng con cũng dùng con mắt ký ức để suy niệm các hành vi và đời sống thánh thiện của các Ngài mà bắt chước. Chúng con nài xin Chúa làm phép + và thánh hóa tượng ảnh này để tôn kính và tưởng niệm đến…Xin Chúa đoái thương, để ai siêng năng tôn kính…trước tượng ảnh này, thì nhờ công nghiệp và sự che chở của Người, được Chúa ban ơn thánh ở đời này và vinh hiển ở đời sau. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.
Người Kitô hữu tôn kính các thánh qua các ảnh tượng. Con mắt thể xác chiêm ngưỡng vị thánh thì con mắt ký ức suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của ngài để noi gương bắt chước.
Bước vào tháng kính Thánh Giuse, chiêm ngắm và học nơi Ngài hai nhân đức cần thiết cho đời sống đức tin.
1. Nhạy bén
Đọc Phúc Âm, ta thấy Thánh Giuse có tâm hồn mở ra với tiếng gọi của Thiên Chúa và rất nhạy bén trước ý định của Người.Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ biết là ý Thiên Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành.
-Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn Thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24).
- Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).
- Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21).
Trước Thánh ý Thiên Chúa, Giuse nhạy bén lắng nghe và vâng phục chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).
Để nhạy bén với tiếng gọi của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Trong nội tâm thinh lặng, Ngài lắng nghe Chúa. Thiên Chúa mà Giuse gắn bó là Đấng đã gọi Ngài. Thánh Giuse hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.
2. Kiên quyết
Phúc Âm nói rất ít về thánh Giuse. Nhưng có một điều chắc chắn đã giúp Ngài chu toàn bổn phận bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Điều đó là đức tính kiên định.
Nhạy bén tình hình thực tế nên thấy mối đe dọa cho Hài Nhi, Ngài mau mắn lên đường lánh nạn. Đường xa vạn dặm từ Do thái sang Ai cập mà vợ yếu con thơ, núi đồi hiểm trở, cướp bóc rình rập, nhưng Thánh Giuse luôn kiên quyết đã quyết định là làm cho đến cùng để bảo vệ gia đình.
Đọc Phúc Âm ta thấy rõ đức tính ấy. Từ khi đưa Đức Maria đang mang thai về quê hương Bêlem để khai sổ kiểm tra cho đến khi định cư tại Nazareth, Thánh Giuse luôn kiên quyết bảo vệ gìn giữ gia đình. Về quê quán, đường xa xôi cách trở. Khi đến nơi “Maria đã đến ngày sinh nở”, và phải sinh con “nơi hang đá bò lừa” vì “hai ông bà không tìm được nhà trọ”(Lc 2,7). Chỉ ít lâu sau được lệnh “Thiên sứ báo tin phải lên đường, đưa con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13). Vâng theo ý Chúa, “ngay đang đêm, Giuse chỗi dậy đem con trẻ và mẹ Người lên đường đi Ai cập” (Mt 2,14). Định cư tại Ai cập cho đến khi nhận được lệnh thiên sứ “hãy đưa con trẻ trở về quê hương”, Giuse “lại chỗi dậy đưa gia đình về lại quê hương Nagiaret”. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp những thử thách gian truân, Thánh Giuse vẫn can đảm kiên cường vượt qua. Ngài là cột trụ gia đình, kiên nhẫn làm việc đổ mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động để nuôi sống và đem lại hạnh phúc cho gia đình.
Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn nhạy bén tình hình thực tế và khi đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn kiên định xin vâng trước Thiên ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.
Nhờ hai đức tính nhạy bén và kiên quyết mà Thánh Giuse đã trở thành đấng bao bọc che chở Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người rất hiệu quả. Đó cũng là bài học quý giá cho đời sống đức tin và trách nhiệm mà Chúa giao phó cho chúng ta. Luôn nhạy bén với tiếng Chúa gọi, nhạy bén với tiếng lương tâm, với các biến cố đời sống, với những biến chuyển của thời đại và với những lời nhắn nhủ của anh chị em mình. Nhạy bén trước những mối nguy hiểm đe dọa những nguy cơ rình rập đời sống, cần kiên quyết để vượt qua. Bất cứ việc gì, đã quyết định là làm cho đến cùng với tinh thần trách nhiệm.
Thánh Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống đời thường đã biến thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.
Lạy Thánh Giuse, xin cho mỗi người chúng con học nơi Ngài, luôn biết nhạy bén và kiên quyết sống theo hướng dẫn của đức tin. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn : Website GP Thanh Hóa
Thánh Giuse, vị thánh khiêm nhường và bác ái
Ngô Suốt
Thánh Frances de Sales viết rằng: “Thật không cần thiết để luôn luôn lúc nào cũng chăm chú đến tất cả mọi nhân đức để diễn tập; có thể làm gãy gập và lúng túng ý tưởng và cảm giác của bạn rất nhiều. Khiêm tốn và bác ái là những sợi dây chủ chốt; tất cả các nhân đức khác đều gắn liền vào. Chúng ta chỉ cần nắm giữ hai sợi dây này: một ở dưới đáy và một ở trên đỉnh. Sự đứng vững của tòa nhà tùy thuộc vào móng và mái của nó. Chỉ cần tập trung tâm hồn để diễn tập hai nhân đức này chúng ta sẽ không bị khó khăn đối với các nhân đức khác. Đây là những nhân đức mẹ và những nhân đức khác theo sau giống như gà con theo gà mẹ”. Dường như hầu hết các thánh của Giáo hội đều chuyển tải hai nhân đức chủ chốt này, nhưng vượt trội hơn cả phải nói đến vị đại thánh đáng kính và đáng yêu của chúng ta là thánh cả Giuse.
Thánh Giuse đáng kính vì Ngài có quá nhiều nhân đức siêu phàm, người bình thường không thể có được, điều này cũng dễ hiểu vì Ngài được tiền định chăm lo gia đình Thánh, Ngài được những ân sủng đặc biệt thiết tưởng không có gì lạ cả. Đến nổi người ta cho rằng Ngài không hiểu, không biết, cũng không hỏi, chỉ tin và làm theo lời Chúa. Thí dụ khi Thiên thần báo mộng cho Ngài: ”Đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần...”, tôi không nghĩ rằng Ngài hiểu được vấn đề, kể cả Chúa Thánh Thần là gì. Khi được mộng báo đem con trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng vậy, Ngài không biết gì về ý định cũng như kế hoạch của Chúa, chỉ làm theo -một cách liều lĩnh- không thắc mắc, thật mạo hiểm vì không những đưa con trẻ đi trốn trong lúc mới sinh ra, còn đưa đi đến một xứ sở xa lạ không người quen biết.
Ngài đáng kính vì khiêm nhường và bác ái đến độ chỉ thi hành không nói. Ngày xưa ở Do Thái người ta rất trọng nam khinh nữ. Tuy vậy sau khi lạc Chúa 3 ngày, tìm thấy Chúa, đáng lý Thánh Giuse lên tiếng. Nhưng không, Ngài im lặng để vợ mình nói. Trong bốn cuốn Tin Mừng, đều có thấp thoáng bóng dáng Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse chỉ được nhắc đến trong Tin Mừng của Mathiêu và Luca mà thôi. Đức Mẹ lên tiếng tại tiệc cước Cana (Tin Mừng của Gioan), lên tiếng bốn lần trong Tin Mừng của Luca nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Còn Thánh Giuse hoàn toàn không nói lời nào trong toàn bộ Thánh kinh. Ngài đúng là con người kỳ diệu.
Sống trong ơn gọi gia đình, chúng ta phải công nhận ơn gọi độc thân vì nước trời của các tu sĩ nam nữ là điều hết sức khó khăn. Thế nhưng thánh Giuse lại sống chung đụng –dù trên nguyên tắc pháp lý là vợ chồng- với cô thôn nữ xinh xắn, nhưng giữ mãi nhân đức trong sạch là điều làm cho nhiều người nghi ngờ, vì họ nghĩ rằng điều đó không thể làm được đối với bản tính tự nhiên của con người. Người ta suy luận hợp lý, đúng nếu không có sự can thiệp của Đấng Toàn Năng thì rõ ràng vô phương. Theo các nhà tâm lý học con người có hai bản năng mạnh mẽ nhất là tôn giáo (Religion) và tình dục (Sex). Kết luận này cho chúng ta biết được rằng khi bản năng tôn giáo thắng thế người ta có thể khống chế nhu cầu tính dục mặc dù không hoàn toàn dễ dàng. Điều này cũng giải thích được lý do khi tôn giáo mất đi sự thu hút, trân trọng trong xã hội, tình dục sẽ thắng thế, thống trị, do đó tội lỗi lan tràn. Riêng thánh cả Giuse còn khác thường, tuyệt vời hơn nữa. Trong Tin Mừng thánh Mathiêu kể chuyện người đàn bà bị bịnh băng huyết 12 năm, chỉ lén đụng vào gấu áo Chúa Giêsu tức khắc được lành bệnh. Theo Do Tháí Giáo thì việc gì liên quan đến máu huyết là ô uế (cụ thể phụ nữ sinh con 40 ngày phải đem lễ vật lên đền thờ để tẩy uế), Người đàn bà bịnh hoạn ấy chỉ lén đụng vào gấu áo tức thì sự ô uế kinh niên của bà biến mất, phương chi Thánh Giuse trực tiếp ẵm bồng, chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ Đấng Toàn Năng.
Các tu sĩ Công Giáo của chúng ta (đáng được trân quý cùng động viên và nâng đỡ vì ơn gọi độc thân), dĩ nhiên nhờ sự trợ lực của Thiên Chúa, họ còn có thể đè bẹp được bản năng tình dục, nhu cầu đòi hỏi của thân xác, huống chi thánh Giuse, người công chính (công chính là kính sợ Thiên Chúa; hiểu biết điều tốt lành rồi đem thực hành những điều tốt lành đó cả đời).Thử hỏi, giả như Thánh Giuse có một lúc nào đó thoáng vấn vương ý tưởng không trong sáng nào đó trong đầu chẳng hạn, ý tưởng mờ ảm ấy làm sao tồn tại được dù chỉ một giây–dù chỉ trong ý nghĩ- khi đụng chạm trực tiếp thân thể tinh tuyền, trong suốt hơn pha lê Đấng Chí Thánh Chí Tôn, cùng hít thở chung không khí với Mặt Trời Công Chính. Chúng ta có thể xác quyết bản năng tình dục trong thánh Giuse đã bị khống chế đến tận cùng hay có thể nói bị triệt tiêu hoàn toàn, nhường chỗ cho bản năng tôn giáo được phát huy đến tột đỉnh. Đây chúng ta không muốn nói đến yêu tố Ngài đã được Thiên Chúa chuẩn bị, tin tưởng trao phó Con Một mình. Vật gì của Chúa đều thánh thiêng, Cha Mẹ của Thiên Chúa –dù nuôi- dĩ nhiên các Đấng Thánh, phải được Thiên Chúa gìn giữ, bảo toàn cách đặc biệt nguyên tuyền hẳn chuyện đương nhiên.
Nếu chúng ta cho rằng thánh Gioan Tiền Hô vị ngôn sứ sau cùng của thời Cựu Ước, Đức Trinh Nữ Maria là người tín hữu đầu tiên thời kỳ Tân Ước, thì chúng ta cũng có thể nói rằng Thánh Giuse là vị Linh mục Công Giáo đầu tiên thời Tân Ước. Ngài có đủ phẩm cách, đức độ của người Linh Mục. Người Linh Mục Công Giáo đưọc kính trọng, quý mến vì sự hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa qua việc trung thành với ba lời khấn, thử hỏi còn ai sống trong sạch, khó nghèo và vâng lời hơn Thánh cả Giuse; còn ai yêu mến, tận tụy phục vụ Thiên Chúa bằng Thánh Giuse đáng kính đáng yêu, còn ai khiêm tốn và bác ái hơn Ngài. Ngài đáng kính vì không phải ngày xưa, hôm nay chúng ta vẫn chạy đến xin Ngài bảo bọc, phù trì. Đức Giáo Hoàng Benedict XV, ngày 25-07-1920 công bố: ”...Khi chúng ta quan tâm đến sự bao vây, tấn công nhân loại của ma quỷ hôm nay. Chúng ta thấy dường như tất cả các bằng chứng cho thấy lòng sùng kính thánh Giuse gia tăng vô cùng mạnh mẽ, nó được lan truyền rộng rãi trong các tín hữu...”
Hai nhân đức khiêm tốn và bác ái đúng là nhân đức mẹ. Nó khó khăn vô vàn, phải phấn đấu, vật lộn từ trong bản ngã thẳm sâu con người. Nhân đức trong sạch cũng khó, nhưng còn dễ kềm hãm hay khống chế, bởi đa phần nó kích thích hoặc cám dỗ do yếu tố khách quan. Còn nhân đức khiêm tốn luôn luôn bị lòng kiêu ngạo chèn ép đến ngộp thở, tuy nói dễ lắm nhưng làm không dễ, cái tôi con người quá lớn, ít khi chịu hạ mình, chấp nhận nhường thua kẻ khác. Nhân đức khiêm tốn khó đến nỗi tự mình chúng ta không thể làm được, do đó thánh St. Anthony Mary Claret phát biểu: ”“Để một móng tay trên tấm ván, Tự nó có thể di chuyển xuyên sâu vào ván cho dù nó sắc bén đến mấy không ? Không thể. Bạn chỉ làm cho nó xuyên sâu vào ván bằng cách dùng cái búa đập vào nó. Chúng ta cũng giống y như vậy, chỉ có cách bằng những nhát búa Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn, bất luận bản chất tính khí chúng ta tốt lành cỡ nào.”
Thánh Giuse là nhân vật thánh thiện thứ hai, chỉ sau vợ Ngài. Thiêt nghĩ Thánh Giuse là Đấng bảo trợ xứng đáng nhất, quyền thế nhất, chúng ta có thể nói Ngài đi đầu trong tất cả các nhân đức, nên xin Ngài cầu bầu và học tập những nhân đức tuyệt vời của Ngài là hết sức khôn ngoan, đúng đắn. Ngài ở vị trí, uy thế cao trọng trên thiên đáng, lời chuyển cầu của Ngài vô cùng thần thế, hiệu nghiệm. Chúng ta thử tưởng tượng: tất cả các thánh đến trước ngai của Đức Mẹ như những đứa con lệ thuộc vào Bà, còn Thánh Giuse hiện diện trong vị thế người chồng. Tất cả các thánh đến trước Ngai Tòa Chúa Giêsu như những đầy tớ, trong khi thánh Giuse xuất hiện trước mặt Chúa như một người cha. Thử hỏi còn ai mạnh thế hơn nữa ! Bởi đó nên vào năm 1870 Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố là Thánh Bản Mệnh của Giáo Hội Hoàn Vũ. Còn Giáo Hội Việt Nam sau đó nhận Ngài làm Thánh Quan Thầy.
Tóm lại, Giáo hội đã chuẩn bị cho chúng ta rất nhiều gương nhân đức của các thánh để chúng ta noi theo, đặc biệt nhất có Đức Trinh Nữ Maria và Thánh cả Giuse, vì hai Ngài với những nhân đức vượt trội tất cả các thánh, được thưởng công xứng đáng trên thiên quốc. Học tập cũng như chạy đến hai Ngài là con đường an toàn, ngắn nhất để đến với Con các Ngài. Chúng ta có thể ví hai Ngài như chiếc cầu hay con thuyền đưa chúng ta đến vương quốc của Con các Ngài cách bảo đảm và nhanh chóng nhất. Tha thiết xin các Ngài chuyển cầu cùng dạy dỗ, trợ sức để chúng ta có thể học và diễn tập nhất là nhân đức khiêm tốn và bác ái. Giáo hội cũng mong muốn chúng ta sùng kính các Ngài, học tập nơi các Ngài và nhờ các Ngài chuyển cầu. Xin mở ngoặc: mặc dù biết rằng nhận thức đức tin của người Tín Hữu hôm nay phần lớn đã trưởng thành, tuy vậy ngày nay thời đại đối thoại, đại kết, nhất là với các hệ phái anh em - tôi nghĩ rằng tìm cách đưa những anh em sai lạc trở về với Giáo Hội đích thực là đòi hỏi của nhân đức bác ái -, do đó Giáo hội vẫn khôn khéo, cẩn thận nhắc nhở qua Tông Huấn Marialis Cultus của Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục ngày 02-02-1974: ”Mục đích tận cùng của lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria là để tôn vinh Thiên Chúa và đưa người Kitô hữu đến chỗ tự ký thác cuộc đời, điều chỉnh cuộc sống họ cho phù hợp với Thánh ý của Chúa.”. Để kết thúc xin mượn ý tưởng sau đây: ”Chúng ta hãy chạy đến Thánh Cả Giuse trong mỗi nhu cầu và ánh sáng rực rỡ trong nụ cười của Đấng Cứu Độ sẽ dừng lại trên chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện bên cạnh Ngài, Ngài linh hứng tất cả chúng ta dâng lời tạ ơn lên Đấng Cứu Chuộc Yêu Thương, vì những mầu nhiệm ẩn dấu của ân sủng trong cuộc sống chúng ta và vì mọi lời chúc lành của Thiên Chúa Tình Yêu ”.
Nguồn : VietCatholic
Thánh Giuse- Người gia trưởng gương mẫu
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Ca dao Việt Nam có câu:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gian khổ cuộc đời không ai sánh bằng cha”.
Thực vậy, người cha là mái hiên che chắn cho gia đình trước biết bao giông tố của cuộc đời. Người cha còn là núi thái sơn cho con cái nương tựa, là cây cao bóng cả mang lại bóng mát cho gia đình. Tình của người cha có thể không dạt dào, nhưng công ơn của người cha thật cao như núi thái sơn cao vời. Người cha đã gánh trên vai mình trách nhiệm nuôi dưỡng, bao bọc chở che cho cả gia đình. Người cha có trách nhiệm sẽ quên bản thân mình để gầy dựng gia đình mỗi ngày một tốt hơn. Người cha chấp nhận những gian khổ cuộc đời để nuôi dưỡng gia đình. Chỗ đứng của người cha trong gia đình thật cần thiết, cần thiết đến nỗi người ta bảo rằng: “Còn cha gót đỏ như son – Mất cha, gót mẹ gót con đen xì”. Và cũng thật bất hạnh cho những ai không có cha, vì “con không cha như nhà không nóc”.
Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một ngưởi cha mẫu mực cho các gia trưởng: đó chính là Thánh cả Giuse. Ngài thực sự là một gia trưởng mẫu mực cho các người làm cha. Ngài đã gánh trên vai mình một gia đình đầy bất trắc truân chuyên. Một gia đình mà ngay từ đầu đã gặp bất trắc khi mà Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Dầu Giuse không hiểu hết. Nhưng tấm lòng của Ngài thật quảng đại và bao dung. Ngài đã vui lòng đón nhận Maria về nhà làm bạn theo thánh ý Chúa. Khi sinh con, có lẽ Ngài cũng vất vả tìm cái nôi thật ấm cúng giữa trời đêm sương tuyết nơi đồng hoang mông quạnh. Belem năm đó thật lạnh. Cái lạnh của thời tiết và cái lạnh của tình người đã gây nên những khó khăn, khốn khó chồng chất. Nhưng Giuse đã giúp cho gia đình vượt qua. Ngài đã làm tất cả để mang lại hơi ấm cho hài nhi Giê-su. Ngài không buông xuôi trước khó khăn. Ngài luôn can đảm để vượt qua. Cuộc đời bể dâu đâu dừng lại ở đó. Gian nan tư bề như muốn phá nát gia đình của Ngài. Hê-rô-đê ra lệnh truy nã hài nhi Giê-su. Ngài đã chẳng quản ngại ra đi trong đêm thâu, băng đồi lội suối, đến lánh nạn nơi đất khách quê người. Dầu nơi đất khách quê người hay khi đã trở về quê hương, Thánh Giuse luôn tận tụy hy sinh để kiếm tìm miếng cơm manh áo cho gia đình. Bằng đôi bàn tay chai sần, bằng ý chí kiên cường và bằng tấm lòng hy sinh tận tụy Ngài đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Lâu nay người ta vẫn nghĩ gia đình thánh gia là gia đình khó nghèo. Cái nghèo đói của thiếu thốn tư bề luôn bủa vây đến gia đình thánh gia. Thực sự không phải vậy. Vì gia đình thánh gia có người cha tận tụy lao động, có người mẹ chăm chỉ may vá, có người con luôn phụ giúp cha mẹ, chắc chắn không thể là gia đình khó khăn. Nhưng chắc một điều là họ sống khó nghèo. Họ không vì tiền mà tham lam, mà bán rẻ lương tri. Họ không hà tiện để làm giầu cho bản thân. Họ không phóng túng tiêu pha xa xỉ. Họ luôn sống thanh bần, đạm đạc. Họ sống khó nghèo để tâm hồn thanh thoát khỏi những ràng buộc của danh lợi thú trần gian. Họ đã sống trọn vẹn mối phúc của sự khó nghèo vì Nước Trời chính là gia nghiệp của các Ngài.
Ước gì những người làm cha hôm nay biết noi gương thánh Giuse để trở nên chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Ước gì những người làm cha luôn tận tụy hy sinh để xây dựng gia đình mình thắng tiến và bình an. Ước gì các người làm cha luôn quảng đại bao dung để tha thứ cho những lỗi lầm của con cái và kiên nhẫn trong việc giáo dục các con.
Nguyện xin thánh Cả Giuse cầu bầu cùng Chúa cho các người cha luôn tìm được niềm vui trong những hy sinh vì hạnh phúc gia đình. Nguyện xin Chúa nhìn đến bao hy sinh vất vả của những người cha đã tiều tụy theo năm tháng vì gánh nặng của gia đình, vì hạnh phúc của đàn con. Xin Chúa ban cho các ngài được nhìn thấy phúc đức cao dày của các ngài nơi những người con hiếu thảo thành tài. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Nguồn : VietCatholic
Thánh Giuse - Hy Vọng Của Bệnh Nhân
Thánh Cả Giuse là một Ðấng Thánh vạn năng. Hội Thánh cầu xin Mẹ Maria là Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, Salus infirmorum, thì cũng kêu xin Thánh Cả Giuse là Hy vọng của người bệnh nạn, làm cho kẻ liệt lào được cậy trông, Spes aegrotatium. Mấy mẫu chuyện nhỏ được kể lại thật thà sau đây nói rõ lên điều ấy.
* * *
Một nữ tu thuộc giáo phận Valence, nước Pháp, mới có ba mươi tuổi, danh hiệu là Sainte-Odile, mắc bệnh tê liệt tứ chi, lại thêm đau dây thần kinh đầu, nặng đến nỗi dì không hé được hàm răng ra, không nói được một lời, không ăn được một miếng. Thấy dì lâm trọng bệnh như vậy, bà bề trên ra lệnh cho nhà dòng làm một tuần chín ngày kính Thánh Cả Giuse cầu cho dì.
Ðến ngày thứ sáu trong tuần chín, gặp ngày thứ tư trong tuần lễ, dì Sainte-Odile, trước hết, rơi vào một cơn hấp hối khổ sở; sau đó, dì nghe có tiếng gọi tên dì ba lần. Cùng lúc đó, dì cảm thấy có thể đứng lên không cần cố gắng, và không thấy mình còn đau đớn gì nữa. Dì vội vàng chạy đến gặp bà bề trên. Thấy dì vào phòng mình quá đột ngột và quá khỏe mạnh, bà bề trên ngỡ là ai đó từ đời sau hiện về. Tiếp đó, dì đi tham gia ngay mọi việc trong cộng đồng.
Ngạc nhiên hơn hết là ông bác sĩ nhận điều trị dì. Ông không sao hiểu nổi khi nhìn thấy dì vui vẻ, lanh lẹ ngoài sân chơi, giữa các chị em khác.
Quả thật, dì Saint-Odile đã hoàn toàn bình phục nhờ ơn Thánh Cả Giuse ban. Từ đó dì lại tiếp tục sống đời tu trì, hăng hái chu toàn mọi bổn phận.
* * *
Tại giáo phận Montpellier, cũng thuộc nước Pháp, có một cậu nhỏ nọ, từ nhỏ đã có lòng tôn sùng đặc biệt và hết sức cậy trông Thánh Cả Giuse. Cậu được Thánh Cả giúp thoát khỏi một tai nạn thảm khốc. Cậu đã tự tay viết lại chuyện ấy, mà chúng tôi xin dịch lại như sau:
“Tôi đang đùa chơi ở một góc phố, thì một chiếc xe chạy đến ép tôi vào tường. Toàn thân tôi bỗng nhiên chỉ còn là một đống vô hình thể. Tôi bị ngộp thở. Lương y không còn hy vọng gì chữa được tôi nữa. Lúc đó, cha mẹ tôi quá thất vọng, vội vã mời một linh mục đến ban phép xức dầu bệnh nhân cho tôi. Một dì phước rất có lòng sùng kính Thánh Cả Giuse, gửi cho tôi một dây phép của Thánh Cả. Tôi sung sướng nhận đeo dây vào người, và hết lòng tin cậy ở sự phù hộ của Ðấng Cha Ðồng Trinh vinh hiển của Chúa Giêsu.
“Một lúc sau đó, tôi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, tôi thấy Thánh Cả Giuse đến nói quyết chắc là tôi sẽ khỏi nạn. Thánh Cả còn báo cho tôi biết là sau này tôi sẽ làm linh mục. Tôi thức dậy tràn trề vui mừng. Tôi đem kể giấc mơ ấy với mẹ tôi. Giấc mơ ấy đã thực hiện: tôi đã hoàn toàn bình phục, và ước ao lớn lên sẽ làm linh mục...”
* * *
Một linh mục chứng kiến ơn lạ sau đây, kể rằng:
“Em bé Lucien Chevalier mới lên năm tuổi rưỡi, bị mắc chứng bệnh yết hầu thanh quản nặng. Ðã mấy ngày nay tôi vẫn đến thăm em. Tôi ái ngại nhìn căn bệnh cứ một ngày một tăng lên kinh khủng.
Em Lucien vốn là học sinh trường tôi dạy. Tôi rất yêu quí em, sáng chiều tôi hằng hỏi thăm về bệnh trạng của em. Ngày mồng chín tháng sáu, bệnh trạng em trở nên thất vọng. Mười một giờ hôm ấy, tôi lại đến thăm. Cả gia đình em quây quần chung quanh em mà khóc. Chính tôi cũng không có hy vọng gì điều trị được em, nên cũng không nói được với gia đình em là phải trị liệu cách nào. Vào khoảng ba giờ chiều, gia đình em cho mời tôi phải đến mau để đọc kinh cầu nguyện cho em vào giờ sau hết. Tôi đến, nhưng lại trở về, lòng quặn thắt vì phải nhìn tận mắt những đau đớn em bé trong sạch như thiên thần đó phải chịu.
Ðến sáu giờ, họ lại đến mời tôi, nói rằng có lẽ tôi không còn đủ thời giờ để gặp em còn sống nữa. Tôi vội vã ra đi..., rồi tôi lại quay trở lại. Một ý tưởng vừa nảy ra trong đầu óc tôi: phải đem theo một ảnh vảy Thánh Giuse mới được, Ngài rất quyền thế, Ngài biết tôi luôn trông cậy ở Ngài. Tôi noi theo ơn soi sáng đó. Tôi vào phòng của em nhỏ, đưa mẫu ảnh vảy Thánh Giuse cho bà dì của em, bảo bà đeo ảnh vào cổ em:
-Ðó là vị lương y cuối cùng đấy!
Bà vội vàng quì gối xuống trước ảnh Thánh, vừa khóc vừa đọc vài kinh cầu nguyện. Bà đứng lên, đeo ảnh vào cổ cháu. Và kìa, như là em cố gắng nói điều gì, nhưng chẳng ai nghe rõ được. Tôi đọc cho em nghe một đoạn Phúc Âm, rồi bảo mọi người đọc chung với tôi một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng kính Thánh Cả.
Tôi ra về, vừa bước đi tôi vừa thầm nguyện với Thánh Cả:
-“Nếu Cha cứu sống trẻ này, con hứa sẽ bảo gia đình em gắn một bảng tạ ơn vào tòa kính Cha, và dạy cho em nhỏ được Cha cứu sống này hết lòng tôn kính cậy trông Cha”.
Tôi bình thản và bằng an trở về nhà.
Nhưng Thánh Giuse vẫn chưa đến bên bệnh nhân. Bệnh em Lucien thêm nặng, xấu đi hơn. Em bị ngộp thở. Ðến nửa đêm, gia đình thấy em động đậy môi. Họ lại gần. Lắng nghe. Phải khó khăn mới nghe được rõ mấy lời em nói:
-Ðã làm việc cha bảo làm chưa?
Họ ghé gần lại, hỏi nhau:
-Em nói gì thế?
Em nhỏ lại động môi, nhưng chẳng ai hiểu em nói gì. Họ bảo nhau:
-Có phải em nói phải cầu xin Thánh Giuse không?...Em muốn nói thế chứ gì?
Lucien gắng sức và vội gật đầu.
Gia đình cùng cầu nguyện như tôi đã bảo. Và tiếp vào tiếng rên chết của em là một giấc ngủ bình lặng. Em luôn luôn thở mạnh. Gia đình cứ tiếp tục cầu nguyện. Và bỗng nhiên em thức dậy, nói được rõ ràng, sức lực cũng khỏe hơn trước. Mọi người trong gia đình đều tràn nước mắt vui mừng. Tạ ơn Thánh Cả Giuse.
Sáng hôm sau lúc còn sớm lắm, thầy thuốc đã đến thăm. Ông kinh ngạc trước cảnh tượng ông thấy. Liền đó, tôi cũng đến. Nét mặt mọi người đều vui tươi hớn hở. Tôi gặp thấy em đang ngồi trên giường, giữa những đồ chơi mà em đòi để chơi dỡn. Hôm sau, em đến gặp tôi tại nhà xứ và nói tôi rằng em rất yêu mến Thánh Cả Giuse. Em chẳng có lý để yêu mến Thánh Cả đó sao.
Từ đó, em mặc đồ xanh lơ, luôn mang trên mình ảnh Thánh Cả Giuse. Cả vùng đều biết và gọi em là “nhỏ được Thánh Giuse điều trị”. Em luôn luôn yêu mến Ngài. Ngày Chúa Nhật đi lễ, em thích ngồi dưới bảng tạ ơn mà cha mẹ em đã gắn vào bàn thờ kính Thánh Giuse trong nhà thờ.
-----
Trích từ Giáo Xứ Thánh Giuse Hiển
Nguồn : VietCatholic
Post A Comment:
0 comments: