PHÚC ÂM: Ga 2,13-25
“Cứ phá huỷ đền thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an:
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Đó là lời Chúa.
NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG
1/ Tác động của đồng tiền trên các quan chức coi đền thờ? (1)
2/ Lợi nhuận ảnh hưởng tới tín ngưỡng? (2)
3/ Vì sao Chúa lại ví đền thờ như hang trộm cướp? (3)
4/ Hiệu quả của lòng nhiệt thành nhà Chúa? (4)
5/ Thế nào là đền thờ tâm hồn? (5)
6/ Hậu quả của sự đam mê tiền bạc? (6)
7/ Thế giới đang đối mặt với thứ gì? (7)
8/ Thế nào là ô nhiễm môi trường đạo đức? (8)
9/ Ô nhiễm vì súc vật? (9)
10/ ChúaYesus cảm thấy thế nào khi nhìn vào đền thờ? (10)
11/ Ý nghĩa của việc thanh tẩy đền thờ? (11)
12/ Con buôn và đám tư tế đã phạm tội gì? (12)
13/ Chúa thanh tẩy cách thờ phượng (13)
14/ Của lễ nào đẹp lòng Chúa nhất? (14)
15/ Của lễ nào được Thiên Chúa chấp nhận? (15)
16/ Ý Chúa Yesus muốn dạy gì? (16)
17/ Thân xác và nhân phẩm có liên hệ gì? (17)
18/ Vì sao Chúa Yesus nổi giận? (18)+(23)
19/ Cách gọi và sánh ví đền thờ (19+20)
20/ Lo cho vẻ bề ngoài của đền thờ (22)
21/ Mùa Chay là mùa gì? (24)
22/ Thứ gì mau xuống cấp? (25)
23/ Tình cảm có thay đổi không? (26)
24/ Niềm tin có xuống cấp không? (27+28)
25/ Chúa sáng suốt hay chúng ta mù tối (29)
26/ Lòng nhiệt thành khiến Chúa làm gì? (30)
27/ Phải làm lại từ đầu (31)
28/ Mọi sự sẽ không quá muộn nếu chúng ta bắt đầu ngay (32)****
THANH TẨY MỌI NGUỒN Ô NHIỄM
Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống tin mừng:
1/ Tác động của đồng tiền trên những người quản lý đền thờ: Lúc ban đầu, những người này có thể đã tổ chức bán chiên bò, chim bồ câu, hay đổi tiền bạc với tinh thần phục vụ. Họ cũng có ý hướng ngay lành là để giúp cho những người lên đền thờ có sẵn lễ vật, khỏi phải mang theo trên đường xa. Đây được xem như một thứ dịch vụ, thế nhưng đồng tiền lại là một cái dốc, người ta có thể vì không để ý nên đã bị tuột con dốc này một cách quá êm nên họ không hề hay biết.
2/ Tín ngưỡng và lợi nhuận: Có rất nhiều việc khi khởi đầu là phục vụ, là cứu trợ, là bác ái, là từ thiện, là tôn vinh Thiên Chúa, là mưu ích cho các linh hồn, cho xã hội. Thế rồi lâu dần họ bị hơi men của đồng tiền dẫn dắt , sau đó biến thành kinh doanh thuần túy, rồi bắt đầu chạy theo lợi nhuận, mưu cầu địa vị, danh vọng, quyền lực cho riêng mình. Cuối cùng thì lợi nhuận sẽ kéo theo gian dối, chèn ép, bất hòa, bất công…./
3/ Hang trộm cướp: Chúng ta có thể thấy đền thờ vốn được coi là nơi thiêng liêng, nơi con người có thể hướng tâm hồn mình lên trên những thứ gọi là trần tục, chóng qua. Nơi mà trước kia con người rất ước mong tìm gặp thứ vô giá, thì ngày nay đã biến thành chợ búa, thành hang trộm cướp, nơi người ta cãi cọ nhau, giành giật nhau, chém giết nhau.
4/ Lòng nhiệt thành nhà Chúa: Trước một cảnh tượng chướng mắt như vậy, lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa đã nổi lên, Ngài đã lấy dây thừng bện làm roi để xua đuổi phường buôn bán và quân đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chúa xô đổ bàn ghế và tung đổ tiền của họ.
5/ Đền thờ tâm hồn: Đối với tâm hồn chúng ta cũng thế. Kể từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, tâm hồn của mỗi người đã trở nên một đền thờ, một cung thánh sống động, một nhà tạm cho Thiên Chúa ngự trị. Thế nhưng qua dòng thời gian, lòng ham mê tiền bạc, của cải, vật chất đã xô ngã chúng ta hết tội này đến tội khác. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Tiền là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ gian ác, khả dĩ nó có thể giết chết mọi ý hướng cao đẹp của chúng ta”.
6/ Lòng đam mê tiền bạc: Lòng ham mê chạy theo tiền, sẽ làm chúng ta sao nhãng bổn phận đối với Chúa và những người chung quanh, lòng đam mê tiền bạc sẽ sẵn sàng đẩy chúng ta vào thói gian tham, chèn ép, gây bất công, ăn gian, nói dối, ăn hối lộ. Những tội lỗi đó phát sinh từ lòng đam mê, nó biến tâm hồn chúng ta ra một cái chợ, một ổ trộm chứ không còn là một gian cung thánh nữa.
7/ Nạn ô nhiễm môi trường sống: Thế giới đang phải đối mặt với một vấn nạn là ô nhiễm môi sinh. Các dòng sông đang dung nạp biết bao nhiêu chất thải dơ bẩn , không khí ta đang hít thở đang bị đe dọa vì khói bụi, khói xe, khói nhà máy. Nước biển đang bị ô nhiễm vì nước thải của tàu bè và các chất thải của các lò phản ứng hạt nhân. Tầng ôzôn bị chọc thủng vì các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Làm thay đổi nhiệt độ trái đất làm cho phát sinh các căn bệnh nguy hiểm /Để cho con người có thể sống và phát triển tốt, thế giới cần phải được thanh lọc khỏi các nguồn ô nhiễm này .
8/ Ô nhiễm môi trường đạo đức: Những nguồn ô nhiễm trên đây chỉ là nằm trong môi trường vật lý. Các môi trường văn hóa, đạo đức cũng đang ô nhiễm trầm trọng. Tôn giáo cũng bị ô nhiễm, muốn cho bầu khí đạo đức được trong sạch, muốn cho đời sống tâm linh phát triển thì môi trường tôn giáo cũng cần được thanh tẩy.
9/ Đền thờ ô nhiễm vì súc vật: Trong nghi lễ đạo Do Thái, cần có súc vật để dâng lễ cho Thiên Chúa, khi dâng một của lễ hy sinh ,người ta phải mổ một con thú, đặt trên bàn thờ rồi đốt lửa thiêu con vật. Mùi mỡ cháy quyện với khói xông lên ghi ngút. Người giàu thì một con bò hay con chiên, người nghèo thì một con bồ câu hay đôi chim gáy. Chúng ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò hôi thối ngay trong đền thờ?
10/ Nhà Chúa bị xúc phạm: Thật là dơ bẩn, ồn ào, chướng tai, gai mắt. Nhưng nhu cầu lại biện minh cho sự ô nhiễm. Dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận một cái chợ súc vật tồn tại trong khuôn viên đền thờ. Là nơi thánh , lộng lẫy vào bậc nhất thời đó .
11/ Chúa xua đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ: Đây cũng là dịp Chúa thanh tẩy thói tôn thờ ngẫu tượng. Theo Chúa Yesus, ngẫu tượng nguy hiểm nhất chính là tiền bạc, là thần Mammon. Như đã có lần Chúa Yesus cảnh báo : Các ngươi không thể vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa tôn thờ tiền của được. Con lạc đà khó chui qua lỗ kim… Bọn con buôn đưa súc vật vào đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng là vì lợi nhuận vì yêu tiền .
12/ Dùng đền thờ để phục vụ túi tiền : Khi đưa súc vật vào nơi tôn nghiêm, họ đã coi tiền bạc trọng hơn Chúa. Họ để cho thú vật làm ô uế đền thờ, họ dùng đền thờ để phục vụ túi tiền của họ, vì các tư tế được chia phần nên mới dám cho phép con buôn họp chợ. Họ cũng như con buôn, coi tiền bạc hơn Chúa, họ đang thờ ngẫu tượng.
13/ Chúa thanh tẩy cung cách thờ phượng của ta: Trước kia, khi dâng súc vật làm của lễ, lòng đạo đức được đo lường bằng sức nặng của con vật, lễ vật càng to thì ơn phúc càng nhiều. Nay Chúa Yesus cho thấy: Thiên Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê, Thiên Chúa ghê sợ mùi khét lẹt, mùi máu tanh tưởi (Is 1,11).
14/ Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa: Thánh Vương Đavít đã hiểu vấn đề khi thưa với Chúa bằng Thánh Vịnh (50,16): Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tế lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Chúa muốn ta đến với Chúa bằng chính bản thân ta, của lễ đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường thống hối.
15/ Của lễ được Thiên Chúa chấp nhận: Của lễ toàn thiêu Chúa không nhận, thì này con đến để làm theo ý Cha.Khi ta sát tế bản thân là từ bỏ ý riêng, chống lại các cơn cám dỗ của tiền bạc, dục vọng, gian tham, kiêu căng, bất hòa.
16/ Ý Chúa Yesus muốn dạy: Chúa thanh tẩy đền thờ là muốn ta tiếp tục công việc của Ngài, gìn gữ ngôi đền thờ luôn sạch đẹp, bầu khí luôn trang nghiêm, gìn gữ tâm hồn ta luôn xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự. Chỉ thờ Chúa chứ không thờ tiền.
17/ Thân xác ta là đền thờ của Chúa: Hãy kính trọng thân xác mình và thân xác kẻ khác. Hãy tu bổ đền thờ thân xác bị xuống cấp, bị suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ. Hãy kính trọng thân xác của kẻ khác vì đó cũng là đền thờ của Chúa.****
XÂY DỰNG LẠI ĐỀN THỜ
Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống tin mừng:
18/ Vì sao Chúa Yesus nổi giận? Trong 4 sách Tin Mừng, chúng ta hiếm thấy khi nào Chúa nổi giận. Chúa rất bình thản khi đón nhận nụ hôn phản bội của Yuda. Ngài im lặng trước lời cáo gian buộc tội, Chúa đã mờ gọi chúng ta học nơi Ngài bài học hiền lành khiêm nhường, vậy mà hôm nay Chúa đã nổi nóng cho dù những chuyện buôn bán này chỉ diễn ra ở ngoài phạm vi đền thờ, nơi tiền đình dành cho dân ngoại ,nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự, nhưng Chúa vẫn cho đó là điều bất kính vì chúng tạo ra một bầu khí ồn ào, hỗn độn.
19/ Cách Chúa Yesus gọi đền thờ: Chúa Yesus vốn quý trọng đền thờ, Ngài gọi đó là Nhà Cha tôi, nhà cầu nguyện. Chúa không muốn nơi thánh này biến thành cái chợ, Chúa không chấp nhận nhà của Cha mình bị xúc phạm. Vì yêu Cha khiến Ngài tức giận nên Ngài thấy cần phải dọn dẹp đền thờ cho dù việc làm này sẽ đưa Ngài đến chỗ thiệt thân.
20/ Cách sánh ví của Chúa Yesus: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong 3 ngày tôi sẽ xây dựng lại” Ở đây Chúa muốn ám chỉ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đền thờ ở đây là chính thân thể của Đức Yesus, thân thể phục sinh sẽ là đền thờ mới, nơi mà nhân loại sẽ thờ phượng Thiên Chúa đích thực.
21/ Điều Chúa muốn dạy hôm nay là gì? Hôm nay Chúa Yesus thanh tẩy đền thờ Yerusalem. Ngài cũng muốn thanh tẩy đền thờ của chúng ta, Ngài muốn tâm hồn của chúng ta thật sự là nơi thờ phượng, nơi mà con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa, có khi tham dự thánh lễ mà con người của chúng ta trở nên máy móc, buồn tẻ. Có khi lại chỉ là ồn ào mang tính cách trình diễn ,phô trương /
22/ Sửa soạn đền thờ ở bên ngoài: Để tâm đến việc săn sóc, sửa sang đền thờ là cần, là đúng, nhưng chưa đủ. Người Kitô hữu cần để tâm xây dựng nếp sống đạo của con người mình, bởi lẽ mỗi người phải là đền thờ cho Thiên Chúa ngự . Chính thân xác ta cũng là đền thờ Chúa Thánh Thần (1 Cor 6,19). Những đền thờ trước thì Thánh Thiêng, nhưng sau đó trở nên phàm tục. Sự đam mê vô độ của thân xác sẽ trục xuất Chúa Thánh Thần ra ngoài .
23/ Một cơn giận dữ thánh: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. Hôm nay Chúa Yesus cũng nổi giận khi thấy con người của chúng ta bị vấy bẩn, đền thờ dành cho Chúa Ba Ngôi ngự đã bị nhơ nhớp.
24/ Mùa chay dùng để làm gì? Mùa chay là mùa để tu sửa các đền thờ, để mọi đền thờ đều trở nên giống với đền thờ nơi cung lòng Đức Yesus. Tâm hồn tha nhân chung quanh chúng ta cũng là những đền thờ. Có nhiều đền thờ bị xuống cấp, bị tước đoạt, bị sụp đổ. Chúng ta cần cố gắng xây dựng lại để cho Chúa có nhiều nơi ngự trị.
25/ Của cải trần thế mau xuống cấp: Ta gọi là xuống cấp vật lý. Đa số của cải trần thế đều mau chóng biến chất. Sử dụng chưa đầy 2 năm mà chiếc xe lộng lẫy, đắt tiền kia đã bắt đầu trục trặc. Ghế trường kỷ đẹp trong phòng khách đã nhanh chóng bạc màu, nước sơn trên tường nhà, những màu sơn trên các cánh cửa gỗ, những chỗ giáp mối giữa các viên gạch đen thùi …/ Mọi sự đều xuống cấp một cách nhanh chóng.
26/ Tình cảm cũng mau thay đổi: Một tình bạn nảy sinh chưa được bao lâu, chỉ chừng vài tháng sau đã phát sinh chuyện cãi nhau rồi. Kết hôn là một tình cảm lớn lao, sau sáu tháng chung sống, người ta không còn yêu nhau như trước nữa. Mọi sự đều không suôn sẻ nữa, có những điều khó hiểu, khó nhịn bắt đầu xuất hiện như những hố sâu chia cắt / về mặt tôn giáo cũng có những hiện tượng đó xuất hiện. Cùng với thời gian, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, dành cho nhau cũng bắt đầu nguôi dần đi. Thế là ta sống buông thả, đời sống thiêng liêng sẽ dần dần xuống cấp và thường xuyên xuống cấp.
27/ Niềm tin cũng xuống cấp: Vào thời Chúa Yesus, đền thờ phải là nơi cầu nguyện và dâng lễ vật, nhưng người ta đã biến nó thành một cửa tiệm. Một trung tâm buôn bán, ở cộng đồng Vatican II, người ta đã ý thức rằng: Phải thanh tẩy Giáo Hội về nhiều phương diện, phải canh tân đổi mới nhiều điều khác, phải loại bỏ đi nhiều điều. Thật vậy, với thời gian thì mọi sự đều có thể xuống cấp.
28/ Chúng ta có nhận ra không? Đương nhiên là mọi sự theo thời gian đều có thể hư hỏng, việc này không có gì trầm trọng và không cần bàn cãi gì. Thế nhưng chúng ta có nhìn thấy không và điều tệ nhất là chúng ta không chịu nhìn thấy, không chịu ý thức vấn đề. Làm như không có điều gì xảy ra. Đó mới là trầm trọng.
29/ Chúa sáng suốt, còn chúng ta thì mù tối : Chúa Yesus đã thấy ngay những gì không ổn tại đền thờ. Ngôi nhà dùng cho việc phụng tự đã trở nên nơi buôn bán, chúng ta có chút sáng suốt nào để nhận thấy những gì đang xuống cấp trong cuộc sống Kitô hữu của chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nhắm mắt làm ngơ?
30/ Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa : Sau khi thấy những gì không ổn trong đền thờ. Chúa Yesus không mặc kệ bỏ đi, Chúa không làm ngơ, Ngài cầm roi trong tay , Ngài hành động, một cách hành động thể hiện tính nghiêm khắc mà Ngài ít khi dùng trong đời Ngài.
31/ Phải bắt đầu lại thôi : Cây không trổ hoa, đâm lá thì rõ ràng là đất đã khô cằn. Khi người ta bắt đầu bón phân cho nó, thế là những chồi mới lại nhú ra. Lập gia đình mới có 2 năm mà đôi vợ chồng trẻ không còn yêu nhau như trước nữa. Họ muốn dành một buổi tối để ngồi lại, kiểm điểm mọi thứ , nói cho nhau nghe vài sự thật một cách bình tĩnh. Sau đó thì tình yêu của họ lại tìm được vẻ tươi mát lúc ban đầu. Bây giờ họ còn yêu nhau hơn trước kia nữa.
32/ Mọi sự đều không quá muộn : Mọi sự đều cũng giống như vậy về mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đối với Chúa không có gì là quá muộn, hoặc có ai đó hoàn toàn mất đi. Lầm đường còn có thể trở lui, đổi hướng, các mối quan hệ bị cắt đứt có thể nối lại. Tình yêu đã nguội lạnh nhưng sau đó sẽ trở nên như lò lửa. Với Chúa thì ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể bắt đầu lại và bao giờ bắt đầu lại cũng có thể được. Việc trước hết là ta phải có cái nhìn sáng suốt về chính mình, về con người mà mình muốn trở thành. Đó là sự thật, đó cũng là điều đáng làm nhất và nên làm trước nhất.****
TÓM Ý
1/ Lúc đầu các tư tế cũng có ý ngay lành, họ tổ chức bán chiên bò hay đổi tiền với tinh thần phục vụ để giúp các tín hữu khi lên đền thờ thì có sẵn lễ vật , khỏi mang theo khi đi đường xa. Đây được xem như là dịch vụ, thế nhưng khi họ đụng tới tiền bạc thì họ bị tuột dốc, họ đã trượt dài.
2/ Rất nhiều hoạt động khi khởi đầu chỉ là việc thiện, cứu trợ, bác ái, làm vinh danh Thiên Chúa, là cứu rỗi các linh hồn. Thế rồi lâu dần họ bị đồng tiền dẫn dắt, sau đó là kinh doanh, rồi vì chạy theo lợi nhuận nên kéo theo sự gian dối, bất công.
3/ Hang trộm cướp ở đâu? Chúng ta thấy rằng đền thờ là nơi thiêng thánh, là nơi con người hướng lòng mình lên trên mọi thứ trần tục chóng qua. Nơi mà con người ước mong tìm được thứ vô giá , Thì nay nơi đó đã biến thành chợ búa, nơi người ta dùng để cãi cọ nhau, giành giật, chém giết nhau.
4/ Trước cảnh tượng chướng mắt như vậy. Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa đã nổi lên, Ngài đã xua đuổi bọn họ ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn ghế và đổ tung tiền của họ.
5/ Kể từ khi nhận lãnh bí tích rửa tội, tâm hồn chúng ta cũng trở thành đền thờ, một cung thánh sống động, một nhà tạm cho Chúa ngự trị. Thế nhưng qua dòng thời gian, lòng ham mê tiền bạc đã xô ngã chúng ta từ vấp phạm này đến vấp phạm khác. Bởi vậy người ta vẫn nói : “Tiền là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ tồi”.
6/ Hậu quả của sự mê tiền, làm cho chúng ta sao nhãng bổn phận đối với Chúa và với những người chung quanh và đẩy chúng ta vào thói gian tham, gây bất công, ăn gian, nói dối, nó biến tâm hồn ta thành một cái chợ.
7/ Thế giới đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi sinh. Dòng sông và biển cả là nơi dung nạp chất thải. Không khí thì đầy khói bụi, khói xe khói nhà máy. Biển cả thì đang ô nhiễm vì các lò phản ứng hạt nhân, tầng ôzôn thì ô nhiễm bằng khí gây hiệu ứng nhà kính, làm thay đổi nhiệt độ, làm phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm chết người.
8/ Ô nhiễm môi trường đạo đức / tôn giáo cũng bị ô nhiễm. Muốn cho đời sống tâm linh phát triển thì đời sống tôn giáo cũng phải được thanh tẩy.
9/ Ô nhiễm vì súc vật: Cần có súc vật để làm của lễ dâng lên Thiên Chúa, khi dâng một của lễ, người ta phải mổ một con thú đặt trên bàn thờ để đốt lửa thiêu con vật. Chúng ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò ngay trong đền thờ.
10/ Đền thánh Yerusalem là nơi thánh thiêng, lộng lẫy vào bậc nhất. Cứ nhìn nhà Chúa bị xúc phạm, nhưng nhu cầu lại biện minh cho sự ô nhiễm, nên dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận một cái chợ dơ dáy, ồn ào trong khuôn viên đền thờ.
11/ Chúa xua đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ, đây là dịp Chúa thanh tẩy thói thờ ngẫu tượng mà ngẫu tượng nguy hiểm nhất chính là tiền . Chúa đã có lần cảnh báo : Không ai có thể làm tôi hai chủ, họ vào đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa nhưng là do lợi nhuận.
12/ Họ dùng đền thờ để phục vụ túi tiền khi dám đưa gia súc vào nơi tôn nghiêm. Họ đã coi tiền bạc trọng hơn Chúa, các tư tế được chia phần nên mới dám cho phép đám con buôn họp chợ, họ cũng như con buôn, coi tiền bạc hơn Chúa.
13/ Trước kia khi dâng lễ vật làm của lễ, lòng đạo đức của họ được đo bằng sức nặng của con vật . Lễ vật càng to thì ơn phúc càng nhiều, nay Chúa Yesus cho thấy : Thiên Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê , Thiên Chúa ghê sợ mùi khét mỡ cháy ,mùi máu tanh tửi .
14/ Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là thái độ khiêm nhường, thống hối. Chúa muốn ta đến với Chúa bằng chính bản thân mình.
15/ Của lễ toàn thiêu Chúa không nhận thì đây con xin đến để làm theo ý Cha. Ta sát tế bản thân khi ta từ bỏ ý riêng, chống lại các cơn cám dỗ do tiền bạc, dục vọng, gian tham mang lại.
16/ Ý Chúa muốn dạy ta : Khi Chúa thanh tẩy đền thờ là muốn dạy ta tiếp tục công việc của Ngài : gìn giữ ngôi nhà thờ luôn sạch đẹp, trang nghiêm, gìn giữ linh hồn ta luôn luôn xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự. Chỉ thờ Chúa chứ không thờ thứ gì khác. Chúa cũng muốn chúng ta tự thanh tẩy đền thờ linh hồn mình.
17/ Thân xác cũng là đền thờ, thân xác cũng là nhân phẩm của mỗi người. Hãy tu bổ, đừng để cho thân xác xuống cấp, bị suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ. Chúng ta cũng phải tôn trọng thân xác của kẻ khác.
18/ Trong 4 sách tin mừng, chúng ta ít khi thấy Chúa Yesus nổi giận, cho dù là từ nụ hôn phản bội của Yuda. Cho dù bị kẻ gian buộc tội, cho dù bị tên lính vả vào mặt, cho dù bị sỉ nhục, nhưng Chúa vẫn luôn tỏ ra hiền lành và khiêm nhường. Nhưng hôm nay bọn họ đã làm điều bất kính khi biến đền thờ thành ra cái chợ.
19/ Chúa Yesus rất quý trọng đền thờ khi Ngài gọi là Cha tôi. Chúa không muốn đền thánh biến thành cái chợ, Chúa không muốn nhà Cha mình bị xúc phạm nên Chúa đã quyết tâm dọn dẹp đền thờ cho dù việc này dẫn đến hậu quả Ngài phải thiệt thân. Đền thờ mà Chúa muốn nói ở đây là chính thân thể của Ngài, là cái chết 3 ngày và sự phục sinh. Thân thể của Ngài là đền thờ mới, nơi xứng đáng nhất cho Thiên Chúa ngự trị .
20/ Khi chúng ta để tâm săn sóc đền thờ là việc cần làm , là đúng, nhưng chưa đủ. Người Kitô hữu cần để tâm xây dựng nếp sống đạo của mình. Mỗi người là đền thờ cho Thiên Chúa ngự, thân xác ta cũng là đền thờ Chúa Thánh Thần (1 Cor 6,19) khi chúng ta dâm ô vô độ là chúng ta đã trục xuất Chúa Thánh Thần .
21/ Mùa chay là mùa tu sửa đền thờ: Đền thờ chúng ta được xây dựng khi mới chịu phép rửa tội. Tội lỗi và tính mê tật xấu đã làm hư hao đền thờ. Chúng ta hãy tu sửa, làm cho đền thờ của chúng ta phải giống như đền thờ nơi cùng lòng Đức Yesus. Tâm hồn của tha nhân cũng là đền thờ, có nhiều đền thờ bị xuống cấp, bị tước đoạt, bị dẫm đạp, bị sụp đổ, bị biến tướng. Chúng ta cần cố gắng xây dựng lại, mùa chay chúng ta có 2 việc cần làm là : Sống bác ái và sám hối. Sám hối mà không bác ái thì cũng vô ích thôi .
22/ Thứ gì mau qua, thứ gì vĩnh cửu: Tất cả của cải trần thế đều mau xuống cấp, ta gọi là xuống cấp vật lý. Mọi sự đều xuống cấp nhanh chóng, cho dù là gỗ đá.
23/ Tình cảm cũng mau thay đổi dù là tình bạn, dù là tình vợ chồng. Về mặt tôn giáo cũng có những hiện tượng đó xuất hiện, cùng với thời gian, tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, dành cho nhau cũng bắt đầu nhạt phai, là vì ta sống buông thả nên đời sống thiêng liêng cũng dần dần xuống cấp .
24/ Niềm tin cũng xuống cấp, Vào thời Chúa Yesus, đền thờ phải là nơi cầu nguyện và dâng lễ vật. Nhưng người ta đã biến nó thành một cửa hàng, một trung tâm buôn bán // công đồng Vatican II cũng có ý thức rằng : Phải canh tân đổi mới nhiều điều, phải loại bỏ những điều không còn phù hợp với thời đại .
25/ Đương nhiên là mọi sự theo thời gian đều xuống cấp, dẫn đến hư hỏng việc này là lẽ đương nhiên không cần bàn cãi. Thế nhưng chúng ta có muốn nhìn thấy, hay là chúng ta không muốn nhìn thấy, không chịu ý thức vấn đề, làm như không có điều gì xảy ra // đó mới chính là một sự trầm trọng cần giải quyết ngay .
26/ Chúa Yesus đã thấy ngay những điều không ổn ở đền thờ, ngôi nhà nơi dành cho việc thờ Thiên Chúa đã trở nên nơi buôn bán. Chúng ta có sáng suốt để nhìn thấy những gì đang xuống cấp trong cuộc sống Kitô hữu của chúng ta không? Hay chúng ta nhắm mắt làm ngơ .
27/ Sau khi thấy những điều không ổn trong đền thờ, Chúa Yesus đã không mặc kệ bỏ đi. Chúa không thể làm ngơ, Ngài cầm roi trong tay và hành động liền, một hành động thể hiện tính nghiêm khắc hiếm có trong đời Ngài.
28/ Mọi sự phải làm lại từ đầu, cây không trổ hoa, không kết trái do thiếu phân, thiếu nước, rõ ràng là đất đã khô cằn. Người ta bắt đầu bón –tưới cho nó, và nó lại tiếp tục đâm chồi, nở hoa. Đời sống Kitô hữu cũng thế, hãy đến với Chúa qua các nhiệm tích, hãy kéo ơn Chúa xuống, hãy mời Chúa ở lại trong ta.
29/ Không có điều gì quá muộn trong mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa. Chúa muốn đợi chờ ta như người Cha nhân hậu đợi đứa con hoang trở về, để mà ban ơn, để mà tha thứ, để mà vui mừng. Lầm đường chúng ta có thể trở lui, mối quan hệ tốt bị cắt bỏ có thể kết nối lại, tình yêu nguội lạnh có thể được thổi bùng lên và trở thành một lò lửa bừng cháy. Đối với Chúa bất cứ thời điểm nào cũng có thể làm lại, việc cần thiết nhất là phải có cái nhìn sáng suốt về mình, về con người mà mình rất muốn trở thành. Đó là làm đứa con chí ái của Chúa. Đây chính là điều đáng làm nhất, các bạn ạ!****
Suy niệm:
Trong sách Tin Mừng, hiếm khi ta thấy Ðức Giêsu nổi giận.
Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa.
Ngài lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội.
Chính Ngài đã mời ta học nơi Ngài
bài học hiền lành và khiêm nhượng.
Vậy mà ở đây ta lại thấy Ðức Giêsu dùng roi
để đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò,
Ngài còn lật nhào bàn ghế của những người đổi bạc!
Dù rằng những chuyện buôn bán này
chỉ diễn ra ở ngoài phạm vi Ðền Thờ,
nơi tiền đình dành cho dân ngoại,
nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự
của những người đi hành hương vào dịp lễ Vượt qua,
nhưng Ðức Giêsu vẫn thấy đó là một điều bất kính,
vì chúng tạo ra một bầu khí ồn ào, hỗn độn.
Ðức Giêsu vốn quý trọng Ðền Thờ Giêrusalem.
Ngài gọi đó là nhà Cha của tôi, nhà cầu nguyện.
Ngài không muốn nơi Thánh này trở thành cái chợ.
Ngài không chấp nhận nhà của Cha Ngài bị xúc phạm.
Chính tình yêu đã khiến Ðức Giêsu nổi giận.
Ngài thấy cần phải thanh tẩy Ðền Thờ,
dù điều đó sẽ đưa Ngài đến chỗ thiệt thân.
“Cứ phá hủy Ðền Thờ này đi;
nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”.
Ðức Giêsu ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Ðền Thờ ở đây là chính thân thể Ðức Giêsu.
Thân thể được phục sinh của Ngài sẽ là Ðền Thờ mới,
nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực.
Ðức Giêsu đã thanh tẩy Ðền thờ Giêrusalem.
Ngài cũng muốn thanh tẩy các nhà thờ của chúng ta.
Ngài muốn chúng thực sự là nơi thờ phượng,
nơi lắng đọng để con người gặp gỡ Thiên Chúa.
Có khi thánh lễ của chúng ta trở nên máy móc, buồn tẻ.
Có khi lại ồn ào, nặng tính trình diễn.
Dù sao thánh lễ vẫn cần một cái hồn, một sức sống
lan tỏa từ Chúa Giêsu phục sinh.
Ðể tâm đến việc sửa nhà thờ là cần, nhưng không đủ.
Mỗi Kitô hữu cần để tâm xây dựng con người mình,
bởi lẽ đó là đền thờ của Cha và Con (x. Ga 14,23).
Chính thân xác ta cũng là đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19).
Có những đền thờ thánh thiêng đã trở nên phàm tục.
Ðam mê vô độ của thân xác đã trục xuất Thánh Thần.
“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”
Chúa Giêsu hôm nay cũng giận dữ như thế
khi thấy con người của chúng ta bị vấy bẩn,
đền thờ của Ba Ngôi bị nhơ nhớp.
Tha nhân quanh ta cũng là những đền thờ.
Có nhiều đền thờ bị xuống cấp, tước đoạt và sụp đổ...
Mùa Chay là mùa tu sửa các đền thờ,
để mọi đền thờ đều dẫn đến Ðền Thờ Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Bài viết của Yuse Luca Trương Đình Nghi
Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus
Post A Comment:
0 comments: