Lời dẫn nhập của tác giả

Tháng 12 cùng năm ấy, gần 8 tháng sau chị tôi gọi điện thoại nức nở báo tin bố tôi vừa mất tại Việt Nam trên giường bệnh. Tất cả các con đều ở hải ngoại chẳng có ai bên cạnh trước giờ nhắm mắt. Lần này, tôi quỳ gối lặng lẽ, toàn thân cứng đờ bất động, tuyệt vọng nhìn lên thánh giá thều thào “Lạy Chúa, tại sao?” Ngài vẫn im lặng.
Gia đình tôi mấy đời đạo gốc, chúng tôi tin rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng quyền phép vô biên, nhân từ và luôn yêu thương loài người như cha mẹ đối với con cái. Ngài sẽ ân thưởng nếu chúng tôi biết vâng lời tuân theo luật Chúa, Ngài sẽ răn dạy nếu chúng tôi hư đốn phạm tội, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi những ám hại xấu xa của kẻ thù. Hồng phúc Thiên Chúa ban cho con người nhiều hay ít tôi khó thấy được nhưng đau khổ thì cứ hiện diện trước mắt. Năm 1986 hai cái đại tang trong gia đình tôi, trước đó anh tôi vượt biên mất tích. Những người tôi yêu thương đều lần lượt lìa trần, bố tôi đã già tôi còn hiểu được nhưng em tôi, đứa con đẹp trai vui vẻ dễ thương nhất nhà, em tôi có tội tình gì mà cũng tức tưởi ra đi khi tuổi đời còn son trẻ với một tương lai hứa hẹn rực rỡ.
Mười năm sau, mẹ tôi vẫn còn khóc mỗi khi ra thăm mộ. Gần mười năm rồi mà vết thương vẫn chưa lành. Gia đình tôi vẫn thường nhớ tới sinh nhật để tính tuổi và tưởng tượng tương lai của em. Mười năm sau, tôi không còn hỏi Ngài tại sao, bởi vì, Ngài vẫn im lặng gục đầu trên Thánh Giá.
Câu trả lời của Ngài không phải ở trong nhà thờ, nhưng ở giữa cuộc sống của tôi và của mọi người (…)
Hằn sâu trên định mệnh làm người là hai chữ đau khổ, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Hằn sâu trên bộ mặt thế giới là chiến tranh, hận thù, nghèo đói, bệnh tật, tai ương tiếp nối. Hằn sâu trong trái tim mỗi người Công giáo, là những khắc khoải day dứt tìm kiếm lời giải thích cho những hệ luỵ khổ đau tràn ngập trong đời sống.
Phải chăng Chúa vẫn thờ ơ im lặng?
Post A Comment:
0 comments: