Các bạn trẻ ngày chúa nhật Lễ Lá ở quảng trường Thánh Phêrô, 25-3-2018
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2018-04-01
Khi tổ chức thượng hội đồng các giám mục về “người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi” vào mùa thu sắp tới, Đức Phanxicô mời gọi người trẻ toàn thế giới góp ý kiến và tham dự. Ngài đưa ra lời kêu gọi chưa từng có cho các bạn trẻ công giáo. Ngài đặt vấn đề ơn gọi cho đời sống tín hữu kitô vào trọng tâm đời sống Giáo hội. Dù lời kêu gọi này có mở ra về ơn gọi độc thân – chức thánh hay không chức thánh -, hay về hôn nhân, Đức Phanxicô muốn mời gọi các bạn trẻ trên thế giới dấn thân cho và trong Giáo hội công giáo. Đừng “ngồi yên trong ghế bành của mình” như ngài đã kêu gọi họ trong Ngày Thế giới Trẻ ở Krakow, Ba Lan.
Chúng ta chưa biết lời kêu gọi này sẽ mang hình thức nào trong Giáo hội trong các thế hệ trẻ. Nhưng chắc chắn nó đã khởi phát một cách dứt khoát ở Rôma cách đây một tuần trong lần họp tiền thượng hội đồng với 300 bạn trẻ trên khắp thế giới về. Và nhất là chúng ta biết cao điểm của lần họp này sẽ được đưa ra vào tháng 1 năm 2019 khi Đức Phanxicô khai mạc Ngày Thế giới Trẻ ở Panama.
Đây là Ngày Thế giới Trẻ thứ ba của ngài sau Krakow ở Ba Lan năm 2016 và ở Rio de Janeiro, Ba Tây tháng 7 năm 2013. Lần ở Ba Tây là lúc ngài vừa nhậm chức, Đức Phanxicô “thay” Đức Bênêđictô XVI theo lẽ sẽ phải đến dự nhưng ngài đã thoái vị từ tháng 2-2013. Nếu còn hơi sớm để nói đến một “thế hệ Phanxicô” nhưng thế hệ trẻ này rõ ràng là đang được… đào tạo. Ngược lại, điều được thấy rõ là sự phong phú vô cùng của “thế hệ Gioan-Phaolô II”, người đã giải hòa các bạn trẻ với Giáo hội công giáo. Chính ngài là người sáng lập các Ngày Thế giới Trẻ, là người kỹ sư lên chương trình, là người thợ mài dũa, là ngôn sứ đưa người trẻ lên rất cao. Chỉ cần nhớ lại kỷ niệm Ngày Thế giới Trẻ ở Paris năm 1997 cách đây 21 năm. Ở Rôma, ngày này vẫn còn ghi khắc như một trong các thành công lớn nhất của các Ngày Thế giới Trẻ.
Đức Gioan-Phaolô II đã biết thu hút, nuôi dưỡng, thúc đẩy một thế hệ mà ngày hôm nay họ dâng các bí tích trong Giáo hội, tận tâm với chức thánh hay tu hành trong các cộng đoàn tu sĩ. Ngài vẫn còn là “giáo hoàng” của người trẻ. Bên cạnh đó là một hình ảnh cao lớn khác dưới mắt người trẻ: Đức Bênêđictô XVI. Dáng dấp của một người ông minh trết, chứ không phải nhà “vô định thể thao” như vị tiền nhiệm người Ba Lan của mình, đã không phải là không tương phản với người trẻ, thế hệ đang hướng về các kỹ thuật mới, các trang mạng xã hội.
Nhưng, cũng có thể vì đã rất mất định hướng, họ thấy nơi giáo hoàng giáo sư này điểm quy chiếu vững chắc cho một dấn thân, một con đường rõ ràng trong sáng về mặt trí tuệ. Đến mức mà trong tám năm giáo triều của mình, chúng ta ghi nhận, đích thực đã có một “thế hệ Bênêđictô XVI”, mà điểm nổi bật là hướng nội, đào sâu và bám rễ trong đức tin kitô. Và ngày nay chúng ta đã thấy trong các chủng viện, các giáo xứ, các gia đình, một thế hệ đòi hỏi, một thế hệ mong muốn sự thánh thiện. Chữ “thánh thiện” cấm kỵ này không làm cho họ sợ. Khi giáo hoàng trí thức người Đức nhậm chức, nhiều người cá độ ngài sẽ không chinh phục được giới trẻ do tuổi cao, do tư tưởng cao của ngài. Nhưng họ đã quên sự trong sáng trong cách diễn tả của ngài, đức khiêm nhường của ngài. Chính xác đó là các đức tính ngài đã thu hút mọi người.
Đức Phanxicô cày cấy thêm cho mảnh đất người trẻ này. Ngoài các con số người đi tu và vào chủng viện đáng kể ở Ba Lan, Việt Nam, Phi Luật Tân và nhiều nước Phi châu thì con số này vẫn giảm ở các nước Tây phương. Rõ ràng là đã có tác hại tâm lý trên thế hệ “màn hình và máy nghe”, nhưng cũng có tác hại về mặt thiêng liêng, họ không có khả năng dấn thân cá nhân vào một việc gì. Làm thế nào để nói về tiếng gọi và ơn gọi cho những người trẻ đã bị trói buộc trong thế giới số và ảo, rất tương tác, rất thừa mứa và ồn ào này? Khái niệm hướng nội sẽ trở nên như thế nào? Làm thế nào để phân định? Làm thế nào để dấn thân? Khi lên tiếng với các người trẻ về các vấn đề này, giáo hoàng mục tử Phanxicô muốn họ nhảy ra khỏi chiếc ghế bành của mình. Với mục đích này, một cách nào đó qua lễ Phục Sinh này, năm 2018 của Giáo hội công giáo mang đầy hứa hẹn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Post A Comment:
0 comments: