Navigation

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ LẶT KIỆU




 
        Ngày Tết ở Sài Gòn, nói chung là vùng Nam bộ, không thể thiếu món tôm-khô củ-kiệu. Đây chính là món lai rai phổ biến, đặc biệt dành cho cánh đàn ông khi gặp nhau chúc Tết. Vì vậy mà ngay từ trung tuần tháng Chạp đã có kiệu từ vùng quê lên bán tại các chợ. Trước đây các bà thường mua kiệu nguyên bó nguyên cây (cả thân, lá và củ) rồi về lặt ra chỉ lấy củ. Bây giờ thời buổi nhạy bén của thị trường, đã có kiệu lặt sẵn (đã bỏ lá và thân), chỉ mua về cắt bớt “đuôi”, lột bớt “áo” ngoài là đã có củ kiệu màu sáng trắng ngà, sẵn sàng phơi dốt để ngâm dấm rồi ngâm đường. Hai chất dấm và đường ướp cho củ kiệu có vị chua chua, ngọt ngọt; lại nhấm với tôm khô có vị mằn mặn, tạo cho món tôm-khô củ-kiệu có mùi vị đặc trưng hấp dẫn, và rất “bắt” với rượu bia.

        Lặt kiệu vì vậy càng đỡ mất thì giờ cho quý bà quý cô, nhưng tiếc là  cũng mất đi cái thú “chuẩn bị Tết” như truyền thống. Cũng giống như bánh tét, bánh chưng, ngày nay người ta chỉ ra quán, ra chợ mua về dùng chứ ít ai còn nấu để được hưởng cái thú “canh bánh qua đêm” như ngày nào, nhất là tại các thành phố, mặc dầu củi đun bây giờ so với ngày trước dễ kiếm hơn. Ngoài quý bà quý cô thường đảm trách công việc lặt kiệu, bọn thanh thiếu niên rảnh rỗi đôi khi cũng tham gia. Và trong câu chuyện hòa quyện theo động tác đều đều của những bàn tay, có câu chuyện tiếu lâm về hai từ “lặt kiệu”.

        Bọn thanh niên cá nhau: “Mi nói câu ni cho thiệt mau mà không lộn, tau cho mi bốp tau năm bạt tai, còn nếu mi nói lộn, tau có quyền bốp mi sưng má”. Câu như vầy: “Một cây lặt kiệu hai cây kiệu lặt, ba cây lặt kiệu bốn cây kiệu lặt,…”! Đề thi ra dễ như vậy, mà thằng nào cũng cứ lắp bắp như nói ngọng, cuối cùng rớt cả đám, và thằng nào cũng đỏ cả tai, sưng cả mặt. Lại còn bị “tăng nặng” hình phạt do dám …“nói tục” trước mặt người lớn nữa. Vậy bạn cứ thử xem có “giải” được “bài toán” cắc cớ này không nhé. Và rất mong bạn sẽ không bị hình phạt “tăng nặng” như lũ thanh niên kia.

        Chuyện này làm người viết nhớ lại một thời nhập ngũ xa xưa, vào thời gian được huấn luyện khóa sĩ quan tại Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang. Tại đây khóa sau (tức khóa đàn em) khi mới chân ướt chân ráo đặt chân tới quân trường, đã bị khóa đàn anh “dợt” cho một trận “tơi bời hoa lá”. Đó là thời gian huấn luyện khổ nhục (gọi tắt là huấn nhục) - kéo dài khoảng hai tuần lễ mà ai cũng cứ tưởng là dài như…hai thế kỷ - thường được đặt cho cái tên nước ngoài là “Quay Brimade”. Trong đó có bài “thượng lệnh là tuyệt đối”, đề cao kỷ luật quân đội, nghĩa là thực hành theo lệnh trên nhanh chóng và kịp thời như cái máy.

        Và theo “luật chơi”, đàn anh với “quyền uy tối thượng”, bảo gì đàn em phải nghe nấy, không thì bị phạt với nhiều hình thức khác nhau, nhẹ nhất là “móc giò” đến “vác garant chạy mười vòng sân”, ăn cơm 30 giây, đến “bò hỏa lực”,… và nặng nhất là “nằm lăn trong thùng phuy”…Tất nhiên không phải vì đàn anh “ác” mới “chơi” như vậy, mà có “bài” hẵn hoi, tất cả đều nhằm mục đích cuối cùng là huấn luyện khổ nhục như đã nói ở trên. Thế nhưng kèm theo đó, nhiều khi đàn anh cũng có cách giảm…stress cho đàn em bằng những trò mua vui “không thể nhịn cười” được. Chẳng hạn như bắt đàn em chải răng bằng …hột dương liễu và khối những trò khác, trong đó có phát âm hai từ “lặt cỏ”.

        Chuyện xảy ra vào một ngày trung đội chúng tôi đang làm cỏ cho doanh trại. Một “niên trưởng” đàn anh đi ngang, hứng chí quát:
        - Các anh đang làm gì biết không?
        - …?
        - Đang lặt cỏ mà không biết à? Nghe đây: tất cả vừa lặt vừa đếm cho tui: “Một cây lặt cỏ hai cây cỏ lặt, ba cây lặt cỏ bốn cây cỏ lặt, năm cây lặt cỏ, sáu cây cỏ lặt,…” Đếm mau!
        Chúng tôi tức thì tuân lệnh ngay và cùng đếm: “Một cây…hai cây…ba cây…” Niên trưởng lại quát:
        -Ngừng! Ai? Ai vừa nói cái gì” Lỏ gì? ...Im lặng. Không có tiếng trả lời.
        -Đếm, đếm mau lên, mau lên nữa, chậm quá!
        Và đàn em chúng tôi càng đếm mau càng lắp bắp, càng dễ lộn, khi thì lặt cỏ, khi thì lỏ…cuối cùng cả trung đội phải chịu phạt tập thể:
        -Tất cả đứng lên, hai tay bắt chéo nắm hai lỗ tai, “thăng thổ” một trăm cái!
        Không những bị phạt về “phát âm sai” mà còn bị… tăng nặng vì dám hỗn, dám…“nói tục” trước mặt đàn anh.

        Trở lại với câu chuyện lặt kiệu. Nhờ những tiếng cười vui của đám thanh thiếu niên “mất dạy” kia mà không khí lặt kiệu chuẩn bị Tết bỗng trở nên rôm rả vui nhộn hơn. Cứ như vậy, mần hoài mà vẫn không ai thấy mệt thấy mỏi là gì. Tiếng Việt đúng là phong phú và “cắc cớ” với biết bao từ “nói lái” khiến người nghe phải ục ục đau cả bụng, và cứ cười thầm mãi. Có lẽ không một ngôn ngữ nào trên thế giới lại có cách “nói lái” đầy ấn tượng và thú vị như tiếng Việt. Người nước ngoài đã học tiếng Việt, nếu nghe thì cũng chỉ như “vịt nghe sấm” mà thôi.

        Nhân đây cũng xin được kể một câu chuyện liên quan tới “làng kế môn”. Tôi có người bạn vốn có tài …nói lái nhiều lúc rất “móc họng”. Một hôm tôi với bà xã tới nhà “hắn” chơi. Nói chuyện một lúc, hắn bảo: “Tui thấy đàn ông con trai làng Kế Môn của bạn đi đâu cũng cứ mang “người đẹp” lè kè bên cạnh”. Tôi cố cãi: “Thì đâu phải chỉ làng Kế Môn, mà đàn ông làng “moa” thì đâu phải ai cũng như nhau?” Hắn làm thinh không cãi mà chỉ liếc nhìn bà xã tôi rồi nhìn tôi mà cứ cười bằng đôi mắt …lém lĩnh.

        Tối về nằm “vắt tay lên trán”, tôi nhớ lại câu nói của thằng bạn, và cũng nhớ ra thằng này chính là …“vua nói lái” một thời. Tôi bắt đầu “kiểm tra” lại từng câu chữ: “Kế” là bên cạnh, là “lè kè” như hắn nói. Vậy đàn ông làng Kế mang phụ nữ lè kè bên cạnh nghĩa là sao? Đúng là đồ…mắc dịch! Hiểu ra mới biết là hắn đã “đái giò lá” mình. May mà bà xã không để ý và hiểu mấy từ nói lái cắc cớ của hắn ta.

        Năm hết Tết tới, nói chuyện phiếm cho…bui, chỉ mong độc giả đồng hương, nếu không thể “mua vui một vài trống canh” thì ít ra cũng đặng một vài phút giây quý giá. Vì nụ cười sảng khoái chính là “sản phẩm của lạc quan và vui sống”, là một liều thuốc bổ hiệu quả hơn bất kỳ loại thuốc bổ nào. Vậy nên nếu có gì đó “xúc phạm”, mong độc giả thông cảm nhé. Chúc các bạn năm mới gia đình đầy ắp tiếng cười.

        *Bài và ảnh: Lộc Nguyễn
Share
Banner

Post A Comment:

0 comments: