Navigation

Suy niệm-Thứ Năm 15.02(Mồng Một Tết)-Cầu bình an cho năm mới

Thiên Chúa biết rõ

Mồng Một Tết: Cầu bình an cho năm mới – Lễ Tân Niên
Lời Chúa: 
Mt 6,25-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.” (Mt 6,32)
Suy niệm: 
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Trong Thánh lễ hôm nay, Lời Chúa sẽ cho chúng ta biết rằng Ngài rất yêu thương chúng ta, Ngài biết rõ chúng ta cần gì ngay trước khi chúng ta mở miệng xin Ngài, Ngài hằng chăm sóc chúng ta từng phút từng giây, và ngay cả khi chúng ta quên Ngài thì Ngài vẫn không quên chúng ta.
Vậy chúng ta hãy dâng Thánh lễ trong tâm tình tạ ơn, và hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn sống phó thác trong sự chăm sóc của Ngài.
II. PHÂN TÍCH (Hạt giống…)
Bài Phúc Âm này nhắn nhủ chúng ta đừng quá lo lắng về những như cầu của cuộc sống thân xác (của ăn, áo mặc, tuổi thọ) vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
III. SUY GẪM (…nẩy mầm)
1. “Có người mẹ nào quên con mình được không?”
Tại Dublin có một người mẹ hết sức đau khổ vì bà có một đứa con trai hư đốn. Nó không chịu học hành mà cũng chẳng chịu làm ăn. Suốt ngày chỉ biết ăn uống nhậu nhẹt và kết bạn với những tên lưu manh. Tiền bạc và đồ đạc gì có giá trị của bà hể hở ra thì bị nó ăn cắp. Nhiều lần Bà hết khuyên dạy đến năn nỉ nó sửa mình, nhưng chẳng bao giờ nó nghe theo. Cuối cùng nó bị bắt giam trong tù. Nhiều người nghĩ rằng bây giờ bà có thể nhẹ gánh khỏi phải lo cho nó nữa. Nhưng không, tuần nào bà cũng đều đặn vào tù thăm nó với một túi xách đầy những thứ nó cần.
Một hôm khi Bà đang trên đường vào tù thăm con thì gặp Cha Xứ. Cha nói:
– Thằng con của Bà đã phá hỏng tất cả hạnh phúc của đời Bà. Thôi từ này về sau đừng thèm nghĩ tới nó nữa.
Nhưng Cha rất đỗi ngạc nhiên khi Bà đáp lại:
– Dù nó đã gây biết bao tội lỗi và dù con không hề thích những tội lỗi của nó, nhưng dù sao nó vẫn luôn là con của con, con không thể bỏ nó được.
Lời bà mẹ này nói cũng chính là lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay: “Có người mẹ nào quên con mình được chăng? Và cho dù có người mẹ nào như thế, thì Ta, Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi đâu”.
Quả thật không có tình yêu nào bao la và bền vững như tình mẹ,ï tình cha, và trên cả tình mẹ cha là tình yêu Thiên Chúa.
Chính vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu bao là bền vững như thế cho nên trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mới khuyên chúng ta hãy phó thác tất cả nơi tình yêu của Ngài: Đừng lo chi đến cái ăn, cái mặc, cũng đừng lo đến mạng sống và tuổi thọ. Hãy chỉ lo một điều duy nhất mà thôi là lo tím kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
2. Hãy xem chim trời và cỏ hoa đồng nội
Những người lớn quá bận rộn nên không còn thời giờ làm một việc mà hồi nhỏ rất thường làm, đó là ngắm nhìn thiên nhiên. Hôm nay, chúng ta hãy tạm gác qua một bên mọi bận rộn của người lớn để tìm lại thú vui thời con nít.
Hãy ngắm chim trời: mặt trời mọc lên, chim thức giấc với những tiếng hót líu lo, bắt đầu một ngày cách rất lạc quan. Rồi chim mẹ đi kiếm ăn. Xem ra ngay cả việc kiếm ăn này dù cực khổ nhưng cũng rất lạc quan: chim bay đi bay lại trong bầu trời cao rộng, lượn lờ trên những khóm cây, vừa bay lượn vừa tíu tít ca hót. Tìm được một chút thức ăn, chim vui mừng mang về tổ cho con, chim còn vui mừng hơn nữa khi thấy đám con vui sướng với những miếng mồi nhỏ xíu mình mang về… Cứ thế cho đến khi mặt trời sắp gác bóng, chim tìm về tổ ấm, cả gia đình chim cùng nhau đi vào giấc ngủ thảnh thơi, không cần lo lắng gì cho ngày mai…
Hãy ngắm hoa cỏ ngoài đồng: chúng đẹp rực rỡ, “ngay cả Salomon trong tất cả vinh hoa của ông cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó”. Có đóa màu vàng tươi sáng, có đóa màu hồng êm dịu, có đóa màu trắng khiết trinh, rồi màu tím, màu đỏ, màu xanh… Thật là muôn màu muôn sắc. Nhưng thử hỏi hoa làm gì để có những màu sắc tuyệt vời ấy? Ta có hỏi hoa thì hoa cũng chẳng biết trả lời. Hoa chỉ nói: “Em chỉ biết sống trong thiên nhiên thôi, em hứng lấy sương trời, em tiếp nhận nhựa sống từ thân cây, em vui đùa trong ánh nắng. Em không biết tại sao từ một chiếc búp rồi tới ngày em hé nhụy, cánh em nở ra, sắc màu em tươi thắm”. Nếu hoa biết suy nghĩ thì hoa sẽ nói thêm: “Chúa làm đó!”
Chim và hoa chỉ biết làm theo những gì mà thiên nhiên hướng dẫn chúng làm. Ngoài ra, chúng chẳng lo lắng gì cả. Mọi kết quả tốt đẹp rực rỡ đều là thiên nhiên làm cho chúng. Mà “thiên nhiên” là gì? Thưa là Tạo Hoá, là Thiên Chúa. “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Còn tất cả những điều khác Người sẽ ban thêm cho các con”.
Theo kết quả thống kê, người Mỹ thường lo lắng về những điều sau đây:
– Lo về tiền bạc: 45 %
– Lo về người khác: 39 %
– Lo về sức khoẻ bản thân: 32 %
– Lo về học hành thi cử: 20 %
– Lo mất công ăn việc làm: 15 %
Thực ra biết lo không phải là vô ích, vì nhờ biết lo xa nên người ta mới thoát khỏi những tình trạng bối rối (như chuyện ngụ ngôn Con Ve và Con Kiến của Lafontaine). Nhưng sự lo lắng thái quá rất có hại.
Chính vì thế, Đức Giêsu không bảo ta đừng lo gì hết. Ngài dạy chúng ta cách giảm bớt sự lo lắng: một mặt là tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha, mặt khác là hãy tập trung lo điều chủ yếu quan trọng nhất mà thôi, tức là lo làm theo ý Chúa (ý nghĩa của kiểu nói “Tìm Nước Thiên Chúa và Sự công chính của Ngài”).
Thánh Augustinô chia xẻ cho chúng ta một cách sống hồn nhiên và vô tư như sau: “Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài”.
4. Chuyện minh họa
Dân chúng ở một thành phố nọ có quá nhiều điều phải lo lắng. Vì thế họ họp nhau bàn cách giải quyết vấn đề này.
Một người đề nghị phải lập một công viên để người ta đến đó giải khuây. Người thứ hai đề nghị làm một sân chơi golf. Người thứ ba đề nghị xây một rạp xinê. Người thứ tư có một đề nghị độc đáo:
– Chúng ta hãy hùn tiền mướn một người gánh hết mọi nỗi lo của chúng ta.
– Nhưng người đó là ai?
– Là anh thợ vá giày David đó.
– Mướn bao nhiêu?
– Mỗi tuần 1000 bảng anh.
Tất cả mọi người đồng ý. Họ hỏi David người thợ vá giày:
– Anh có đồng ý với việc làm mới này không?
David cười rạng rỡ:
– Tại sao không!
Tưởng là mọi việc đã thu xếp ổn thỏa. Nhưng bỗng một người đặt vấn đề:
– Chúng ta mướn David gánh hết mọi nỗi lo. Nhưng mỗi tuần hắn có 1000 bảng anh thì hắn còn gì phải lo nữa? (Flor McCarthy)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 
Nhân ngày đầu năm, chúng con tha thiết nài xin Chúa ngự đến trong lòng mỗi người chúng con như nơi cư ngụ lâu dài của Chúa. Xin Chúa đoái thương ban bình an của Chúa cho chúng con.
Con yêu mến Chúa, lạy Chúa, và con sẽ chúc tụng Chúa mọi giây phút trong đời con. Xin giúp con sống theo giáo huấn Phúc Âm của Chúa. Cho con luôn thành tâm vâng theo ý Chúa, không tìm tư lợi trong bất cứ điều gì dầu to dầu nhỏ, dầu đời này hay đời sau. Amen.
 Xem thêm
Lm Carôlô Hồ Bặc Xái
Nguồn: caunguyenbangtraitim.com

*Suy Niệm Thêm Mồng Một Tết



TẾT
Ds 6, 22-27 ; 1 Tx 5, 16-24 ; Mt 5, 1-10 ; Pl  4, 4-8 ; Mt 6, 25-34
 ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về
Vâng, vào dịp Tết Nguyên Đán người dân ở phương xa về quê sum họp gia đình và dành thời gian để thăm viếng thân nhân, cúng bái tổ tiên, thờ phượng đất trời. Vì Tết là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn” và tình nghĩa xóm làng: “Viễn thân bất cận lân - Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi chơi đùa để chuẩn bị cho một năm mới.
“Tết” xuất phát từ chữ “Tiết”, nghĩa hẹp tức là mùa “Saison”, nghĩa rộng là mùa hội “saison de fête”. Quê hương ta đất Việt từ ngàn xưa có nhiều tết như Tết Nguyên Đán đầu năm âm lịch, Tết Thanh Minh vào tháng 4 âm lịch, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu… Tết Nguyên Đán là Tết Cả, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam, là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới (năm tính theo chu kỳ mặt trăng vì trong xã hội nông nghiệp theo mùa vụ), giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Cho nên, Tết Nguyên Đán Việt Nam đối với dân Việt ngay từ buổi “Khai thiên lập địa” đã tiềm tàng mang những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với Tạo hóa thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân - hạ - thu – đông: “Ơn trời mưa nắng phải thì”, tấm lòng chân chất của người nông dân cày cấy vốn là trụ cột chính trong cuộc sống nông nghiệp ở xã hội cổ Việt Nam mà hiện nay nông nghiệp vẫn còn giữ vai trò chính…
Hai chữ “Nguyên Đán” là gốc chữ Hán ghép hai từ Nguyên Đán: nghĩa của “Nguyên” là sự khởi đầu và “Đán” mang ý nghĩa chỉ buổi sáng sớm. Cho nên truyền thống văn hóa Việt Nam từ ngày xưa lấy ngày đầu tiên của năm là ngày mồng một và buổi sáng sớm của ngày đó thành một cụm từ “Tết Nguyên Đán”. Bởi cái lẽ tự nhiên và mang tính quy luật của cả năm tháng mà con người tin rằng những gì tốt đẹp được làm vào ngày khởi đầu của một năm bao giờ cũng đem lại sự may mắn, thành đạt cho mỗi số phận của một con người, trong cả cái năm mới đó.
Lẽ trời đất có khởi thủy phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, kết thúc cũng vào lúc giao thừa. Giao thừa có nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy (theo từ điển Hán Việt của Nguyễn Duy Anh). Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm lúc giao tiếp giữa hai năm cũ - mới này có lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là chúng ta bỏ đi hết điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “Khử trừ ma quỷ”, do đó có từ “Trừ tịch”. Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa. Cho nên việc chúng ta họp mặt trong Thánh Lễ Giao Thừa rất có ý nghĩa: trong đêm giao năm mới và năm cũ, chúng ta vui ca tạ ơn Chúa những gì trong năm cũ vừa qua như tâm tình của Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa” (1Tx 5, 16-18). Cũng Đêm giao thừa, trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta trừ khử những gì thuộc về bóng tối, ma quỷ, mặc lấy ân sủng để tiến vào năm mới với tâm hồn vui tuổi hạnh phúc như tục ngữ của cha ông ta: “Nghinh xuân tiếp phúc”. Vâng, phúc linh thiêng mà chúng ta khẩn cầu như lời nguyện đầu lễ: “Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới”. Bước vào năm mới với Chúa Xuân, để Ngài chúc phúc như lời cầu chúc tha thiết của Thánh Phaolô cho những người anh em thành Thexalonica: “Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hóa anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn diện trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín” (1Tx 5, 23-24).
Ngày Tết gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh… tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về. Phong tục này ra đời từ ngàn xưa, có lẽ vì đất nước ta bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả nở rộ. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời. Dâng lộc xuân- lộc của Trời cho chính Trời như là lời tuyên tạ ơn: “Tất cả những gì Chúa ban, con có dâng về cho Chúa”, và khẩn cầu: “Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc” (lời nguyện năm mới). Dâng lộc trời để nhớ ơn và cúng bái ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu xuân, như để tỏ lòng biết ơn. Biết ơn trời, nhớ nguồn gốc tổ tiên thật là một tục lệ đẹp và mang đầy nét nhân văn của lòng biết ơn được văn hóa Việt Nam trân trọng và được chính Chúa Kitô đánh giá cao (x. Lc 17, 11-19).
Tết là ngày đầu xuân người ta không thể quên hoa, loại hoa hay được trưng trong ngày Tết là mai ở miền Nam và đào ở miền Bắc:
Mấy độ xuân về rất nhớ nhau
Trông cành mai liên tưởng cành đào
Mai vàng đào thắm hai nơi ấy
Hai sắc màu gốc có khác đâu
(Bảo Định Giang, Tết này nhớ lắm trời Hà Nội)
  • Chưng mai vào ngày Tết không những vì mai nở rộ, đẹp mà còn là vì người Nam đọc mai thành “May” trong may mắn. Mai đại diện cho mùa xuân trong tranh tứ quý (mai, lan, cúc, tùng), lại còn tượng trưng cho người có tài đức và nhân cách cao thượng trong tứ quân tử (mai, lan, cúc, trúc). Dâng mai cho Thiên Chúa và chưng trong gia đình như muốn nói lên tâm tình phó dâng cuộc sống con cho Ngài, xin Ngài nhắc nhở, thánh hóa con như người quân tử của Tin Mừng - những người sống trong chân lý và sự thật, như Thánh Phaolô kêu gọi trong thư gửi tín hữu Philipphê (Pl  4, 4-8 ).
  • Hoa đào còn có một sự tích, tục truyền ngày xưa có hai vị thần Trà và Uất Lũy ở trên một cây đào khổng lồ phía đông núi Sóc Sơn (miền Bắc). Theo huyền thoại ma quỷ rất sợ hai vị thần này, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Vì đến cuối năm hai thần phải về trời chầu Ngọc Hoàng nên người dân bẻ cành đào chưng trong nhà cho ma quỷ không quấy phá. Vâng, cành đào nhắc nhở chúng ta thoát khỏi bóng tối, thoát khỏi những tâm tình ràng buộc đối với sự dữ để bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa, năm mới hồng ân mới như đào hồng thắm nở rộ trong tâm hồn.
Phong tục biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm con cái với cha me, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ… quà biếu, quà tết là biểu lộ tấm lòng không đánh giá theo giá thị trường. Chúng ta biếu quà tết cho nhau, thể hiện tình cảm gia đình bạn bè, chúng ta cũng biếu quà tết cho Thiên Chúa; quà là tấm lòng, sự chân thành, như lời khẩn cầu đêm giao thừa: “Trong đêm giao thừa này, chúng con vui mừng dâng lễ vật lên trước tôn nhan. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà cho chúng con biết tận dụng năm tháng, ngày giờ để mến yêu, phụng thờ Chúa và phục vụ anh em” (lời nguyện dâng lễ vật lễ Giao Thừa). Sự cố gắng mỗi ngày trong cuộc sống để trờ thành người con yêu như Thiên Chúa hằng mong đợi qua việc Ngài nhìn nhận nhân tính nơi Chúa Kitô, mẫu người cho nhân loại: “Đây là con ta yêu dấu…” (Mt 3, 17; Mc 1, 11).
Ngày tết người ta đi hái lộc, từ ngàn xưa người dân Việt ngày tết đi lễ đình, chùa, miếu, điện, khi cầu nguyện xong, người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là “Lấy lộc” của Trời đất, của Thần Phật ban cho. Trong truyền thống đó, đêm nay mỗi người chúng ta cũng được hái lộc, đó là lộc hồng ân của Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong ân sủng. Vâng, hãy chờ lộc Chúa muốn những điều gì trong năm mới.
Ngày tết người ta chúc tuổi cho nhau, riêng với chúng ta, người mang niềm tin Kitô giáo, lời cầu chúc mặc lấy tâm tình của thánh Phao-lô: “Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Tx 5, 26-28). Trong ngày tết trẻ em mong được lì xì, lì xì được phiên âm từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, nguyên là chữ “Lợi thị” trong Hán tự, có nghĩa là tiền bạc, lợi lộc. Lì xì mừng tuổi các em nhỏ, qua món tiền nho nhỏ và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt trong năm mới. Tiền được để trong những bao đỏ, vì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Vâng, năm mới Xuân sang, chúng ta cũng chúc tuổi nhau và cùng nhau chúc tuổi Thiên Chúa qua lời tạ ơn trong thánh lễ giao thừa, xin Ngài cũng lì xì cho chúng ta đó là sức khỏe, là tình yêu gia đình trong đời sống hằng ngày, là công ăn việc làm bình an… Như lời cầu nguyện của thánh lễ Tân Niên: “Cúi xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người chúng con trong năm này được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào”
Ngày tết mang tâm tình vui tươi như niềm vui mà thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Pl 4, 48), phó thác cho Chúa tất cả trong năm, nhất là những nỗi lo lắng mà chúng ta đang mang như lời Chúa dạy: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11, 28).
Vâng, năm mới tết đến, chúng ta mặc tâm tình mà chính Chúa dạy cho Môisen khi chỉ dẫn cho dân tộc Chúa biết cầu nguyện: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con” (Ds 6, 24-26).
Xuân đang về,
Kìa Chúa xuân đang đến
Cho tôi cho bạn,
Một năm đầy an khang.
                                                                                   Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn
Share
Banner

Post A Comment:

0 comments: