Suy niệm Lời Chúa thứ Tư tuần Thánh ngày 26.03.2018
Bài Ðọc I: Is 50, 4-9a
"Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng".
(Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Kính lạy Vua chúng con, chỉ có Ngài là Ðấng thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.
PHÚC ÂM: Mt 26, 14-25
"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.
Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"
Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
“THƯA THẦY CÓ PHẢI CON KHÔNG?”
(Mt 26, 14-25)
Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ...!
Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: "Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?" Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.
Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:
Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.
Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.
Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Thứ tư Tuần Thánh
Đức Giêsu thấy giờ của Ngài sắp đến, nên chuẩn bị ăn mừng lễ Vượt Qua. Trong bữa ăn tối, Ngài báo trước việc phản bội của Giuđa. Tác giả thánh vịnh cũng đã tiên báo: Tv 41,10 [Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con]. Dân do thái lên án Đức Giêsu và trao nộp Ngài cho người ngoại đạo. Những người thợ vườn nho, sau khi đã giết các tôi tớ chủ sai đến, cũng giết luôn đứa con của chủ. ‘Dân ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi? Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng? Hãy trả lời cho Ta’ (Mk 6,3). Giuđa bán Đức Giêsu với giá ba mươi đồng bạc. Là giá của một người nô lệ (Xh 21,32). Người ta cũng ra cùng một giá như thế đối với vị tiên tri bị truất phế (Dcr 11,12b). Và cũng cùng một giá đó Thượng Hội Đồng trả cho Giuđa để bắt nộp Đức Giêsu.
Khi những gì đã loan báo được ứng nghiệm, Kinh Thánh chấm dứt. Từ đời đời, tất cả đều hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Hành động của con người đã được thấy trước, nhưng không phải là tiền định. Và chính vì thế mà Đức Giêsu không cất đi trách nhiệm của kẻ nộp Ngài, vì kẻ ấy đã xử dụng tự do mình cách sai lạc.
Cũng thế chúng ta có thể phản bội Đức Kitô, bán Ngài với giá rẻ mạt. Lời Chúa dạy ta, và chính Ngài mở mắt chúng ta, để chúng ta được vào số những người đồng bàn với Đức Giêsu mừng lễ Vượt Qua, những chi thể sống động của Giáo Hội.
Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?
Giuđa, không thể bỏ vào túi số tiền của bình dầu thơm (Mt 26,8-9), đã ‘khắc phục’ bằng việc bán Đức Giêsu với giá một người nô lệ (x. Xh 21,32): ba mươi đồng bạc. ‘Lòng ham muốn tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác’ (1Tm 6,10). Trong cộng đoàn các môn đệ: nơi đây Ngài bị giao nộp và ngài tự hiến mình, trao ban thịt máu mình. Khi báo cho các môn đệ biết kẻ phản bội là một người trong nhóm họ, các ông rất đau lòng. Mỗi người đều bị đánh động bởi lời loan báo đó vì mỗi người đều cảm thấy kẻ phản bội ấy có thể là mình: ‘Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?’ Giuđa cũng hỏi như vậy: ‘Rápbi, chẳng lẽ con sao?’ Đối với mười một môn đệ, Đức Giêsu là Đức Chúa, còn đối với Giuđa Ngài chỉ là một vị thầy dạy.
Đức Giêsu trả lời cho Giuđa như cũng sẽ trả lời cho vị thượng tế và cho quan Philatô: ‘Chính anh nói đó’. Con người xét đoán chính mình qua mối quan hệ với Đức Kitô: ‘Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng nhờ lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án’ (Mt 12,37).
Lời than thở của Đức Giêsu về Giuđa không phải là một lời tiên tri về hình phạt cuối cùng cho kẻ bội phản, nhưng chỉ là một lời mời gọi mỗi người xét lại lương tâm mình. Chúng ta có thể chèn vào trang tin mừng này tên của mỗi người chúng ta thay vào tên của Giuđa.
Đức Giêsu thấy giờ của Ngài sắp đến, nên chuẩn bị ăn mừng lễ Vượt Qua. Trong bữa ăn tối, Ngài báo trước việc phản bội của Giuđa. Tác giả thánh vịnh cũng đã tiên báo: Tv 41,10 [Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con]. Dân do thái lên án Đức Giêsu và trao nộp Ngài cho người ngoại đạo. Những người thợ vườn nho, sau khi đã giết các tôi tớ chủ sai đến, cũng giết luôn đứa con của chủ. ‘Dân ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi? Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng? Hãy trả lời cho Ta’ (Mk 6,3). Giuđa bán Đức Giêsu với giá ba mươi đồng bạc. Là giá của một người nô lệ (Xh 21,32). Người ta cũng ra cùng một giá như thế đối với vị tiên tri bị truất phế (Dcr 11,12b). Và cũng cùng một giá đó Thượng Hội Đồng trả cho Giuđa để bắt nộp Đức Giêsu.
Khi những gì đã loan báo được ứng nghiệm, Kinh Thánh chấm dứt. Từ đời đời, tất cả đều hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Hành động của con người đã được thấy trước, nhưng không phải là tiền định. Và chính vì thế mà Đức Giêsu không cất đi trách nhiệm của kẻ nộp Ngài, vì kẻ ấy đã xử dụng tự do mình cách sai lạc.
Cũng thế chúng ta có thể phản bội Đức Kitô, bán Ngài với giá rẻ mạt. Lời Chúa dạy ta, và chính Ngài mở mắt chúng ta, để chúng ta được vào số những người đồng bàn với Đức Giêsu mừng lễ Vượt Qua, những chi thể sống động của Giáo Hội.
Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?
Giuđa, không thể bỏ vào túi số tiền của bình dầu thơm (Mt 26,8-9), đã ‘khắc phục’ bằng việc bán Đức Giêsu với giá một người nô lệ (x. Xh 21,32): ba mươi đồng bạc. ‘Lòng ham muốn tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác’ (1Tm 6,10). Trong cộng đoàn các môn đệ: nơi đây Ngài bị giao nộp và ngài tự hiến mình, trao ban thịt máu mình. Khi báo cho các môn đệ biết kẻ phản bội là một người trong nhóm họ, các ông rất đau lòng. Mỗi người đều bị đánh động bởi lời loan báo đó vì mỗi người đều cảm thấy kẻ phản bội ấy có thể là mình: ‘Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?’ Giuđa cũng hỏi như vậy: ‘Rápbi, chẳng lẽ con sao?’ Đối với mười một môn đệ, Đức Giêsu là Đức Chúa, còn đối với Giuđa Ngài chỉ là một vị thầy dạy.
Đức Giêsu trả lời cho Giuđa như cũng sẽ trả lời cho vị thượng tế và cho quan Philatô: ‘Chính anh nói đó’. Con người xét đoán chính mình qua mối quan hệ với Đức Kitô: ‘Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng nhờ lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án’ (Mt 12,37).
Lời than thở của Đức Giêsu về Giuđa không phải là một lời tiên tri về hình phạt cuối cùng cho kẻ bội phản, nhưng chỉ là một lời mời gọi mỗi người xét lại lương tâm mình. Chúng ta có thể chèn vào trang tin mừng này tên của mỗi người chúng ta thay vào tên của Giuđa.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Post A Comment:
0 comments: