"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".
Tin Mừng: Mc 16, 9-15
Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Suy niệm:
1. Vẫn không tin- Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8,
với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ.
Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng.
Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng,
vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác.
Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ,
chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên;
rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ
và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).
Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra,
một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20),
dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ.
Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.
Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala.
Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc,
nhưng họ không tin (cc. 9-11).
Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê.
Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13).
Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một.
Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).
Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ,
dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy,
dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.
Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi.
Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy.
Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động.
Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình.
Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa.
Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao.
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15).
Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay.
Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác.
Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn...
Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã,
vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.
Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu,
để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả. Amen.
2. Được sai đi
Sau khi được gặp Chúa sống lại, Maria Mađalêna đươc Chúa sai đi báo Tin Mâừng cho các môn đệ. Hai môn đệ trên đường êmau, sau khi gặp Chúa cũng vội vàng ra đi để báo tin cho anh em; và khi hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Giêsu cũng sai họ đi rao giảng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, Các Tông Đồ nhận lệnh một cách chính thức rao giảng Tin Mừng chứ không chỉ báo tin nữa mà thôi.
Thiên Chúa gọi ai, đều sai người đó ra đi. Abraham được gọi và sai đi để trở thành tổ phụ một dân tộc đã đành, mà còn là để cho nhiều dân tộc nhận biết Chúa, một Thiên Chúa Tình Yêu. Các Tông Đồ được gọi và sai đi để đem Tin Mừng sống lại cho mọi người. Công Đồng Vatican II cũng nhắc nhở là mỗi người chúng ta rằng sắc lệnh Tông Đồ giáo dân mỗi Kitô hữu là một tông đồ được Chúa sai đi.
Đã có một thời các triết gia đã nói: Thiên Chúa đã chết. Phải, Thiên Chúa đã chết trong những tâm hồn vắng bóng yêu thương. Nay chúng ta được sai đi để đem tình thương đến cho mọi người, làm cho Chúa sống lại trong mọi người. Muốn thế, chúng ta phải là những con người phục sinh. Sau khi trở lại, thánh Phanxicô là con người phục sinh, và nhờ thế mà người nhận ra tình nghĩa anh em trong mọi tạo vật. Tuy mang năm dấu thánh của Chúa Giêsu trên mình, nhưng thánh nhân là con người rất vui là Vị thánh thích ca hát vì tình yêu Chúa đang thúc đẩy tâm hồn NNgài.
Là ngưới kitô hữu, được Chúa gọi qua phép rửa tội, chúng ta được sai đi đến với ai? Và được sai đi để làm gì? Đến với những người sống chung quanh ta hằng ngày và để đem tình Thương đến với họ, bởi lẽ con người hôm nay đói khát tình thương hơn cả cơm gạo.
3. Những Lần Hiện Ra
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.
4. Vẫn khó tin
Sự phục sinh của Đức Ki-tô là trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta : Nếu Đức Ki-lô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.
Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giê-su vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giở lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh : "Nhưng họ vẫn không tin", “và các ông vẫn không tin hai người này", "Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng".
Tin Đức Giê-su phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.
Tóm lại, đức tin vào Đức Giê-su phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ơ đời này.
Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện ngay với sự kiện phục sinh của Đức Ki-tô khi chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa và tầm quan trọng của mầu nhiệm này. Lúc đó trong ta mới vọt lên sức sống cuồng nhiệt trọn vẹn, một sức sống tràn trề hy vọng đời sống đổi mới chứ không bị hủy diệt.
Chính lúc đó chúng ta sẽ hiệu được tầm quan trọng của sứ điệp phục sinh đối với đời chúng ta, làm cho chúng ta say mê rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.
5. Hãy đi rao giảng Tin Mừng
Chúng ta đọc được hai bài đọc trong câu cuối cùng của bài Phúc âm hôm nay: “hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (c. 15)
1. Mệnh lệnh truyền giáo:
Trước hết Chúa ra lệnh “Hãy ra đi”. Chữ ra đi cũng có thể mang ý nghĩa là đi lại là di chuyển không chịu ở nhưng một chỗ. Nước đọng ao tù. Hãy coi một đời Chúa Giêsu đã đi suốt không ngừng: đi Bêlem, đi Ai cập, đi lên Giêrusalem, đi sa mạc, đi lên núi Sọ. Chúa đi vào đồng quê, đi ra vùng biển, đi lên thành phố, đi lên núi và đi lên thập giá. Chữ “Đi truyền giáo” cũng có nghĩa khác là “làm việc không ngừng”. Chúa Giêsu đã từng ví công việc nước trời như công việc nhà nông bận rộn từ bình minh cho đến xế chiều ngày này qua ngày khác. Chúa muốn nói ra đi là “phải có một tấm lòng nhiệt hành hằng bập bùng sôi bỏng “cứu rỗi các linh hồn”. Sau nữa là chữ “truyền giáo” có nghĩa là loan báo tin mừng, tin tốt, tin vui của ơn cứu độ do Chúa Giêsu lập được và muốn ban cho mọi người.
Mệnh lệnh truyền giáo này có liên hệ mật thiết với sự sống lại của Chúa Giêsu. Cũng như các Phúc âm khác, thánh Marcô hằng nhấn mạnh đến sứ mệnh truyền giáo có liên hệ mật thiết với Chúa Kitô phục sinh. Truyền giáo là báo tin vui, tin mừng, tin tốt, tin may. Hãy coi chị Maria Madalêna và hai môn đệ đường Emmaus (c. 9,12) đang buồn rầu chán nản sau khi chứng kiến cái chết tức tưởi của Chúa, thì hôm nay bỗng nhiên gặp được Chúa sống lại dưới hình ảnh bên ngoài là bác làm vườn, là khách bộ hành. Nhưng sau khi nhận ra Chúa phục sinh, họ biết chắc Chúa đã sống lại, họ lập tức đi báo Tin Mừng và đương nhiên trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên. Dù lúc ấy người ta có tin hay không thì Maria vẫn cứ đi báo tin Chúa đã sống lại thật một cách hăng say nhiệt thành. Đầu tiên, các tông đồ đã nghi ngờ cho đến khi kiểm chứng chắc chắn bằng cách ra ngôi mộ trống.
Và Chúa đã có đủ phương cách để chứng tỏ mình ra cho người hoài nghi chân thành muốn tìm biết sự thật. Các môn đệ ý thức rằng, nếu như Chúa không dùng cách này hay cách khác để xác nhận lời chứng của họ thì khó có người tin vào việc truyền giáo của họ là Chúa đã sống lại thật, vì đây là một biến cố quan trọng có một không hai trong lịch sử. Phaolô trước khi tin Chúa thì đã nỗ lực làm hại bao nhiêu người khác. Nhưng ngay khi gặp Chúa, Phaolô đã biết Chúa sống lại, nên Ngài đã dành cả đời báo tin rằng Chúa Giêsu là Đấng cứ thế đã sống lại. Về sau Ngài viết thơ cho tín hữu ở Côrintô nói: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi ra luống cuống và đức tin anh em ra vô ích” (1C 15,14-17). Đấy, việc truyền giáo gắn liền với sự sống lại của Chúa Kitô.
2. Phạm vi truyền giáo:
Thật bao la rộng lớn. Chúa nói: “Hãy đi khắp muôn dân” (c.15). Việc truyền giáo không hạn hẹp trong dân Israel nữa mà bao trùm tất cả thế giới loài người, dĩ nhiên có cả Israel trong đó. Đây là một sứ mệnh lớn lao mà không người nào hay nhóm người nào làm nổi việc. Nhưng đây là công tác chung tập thể đòi hỏi mỗi người con cái Chúa đề tích cực tham dự. Mặc dù Chúa đã dùng những nhà truyền giáo lớn lao tài giỏi cỡ các tông đồ hay Phaolô... để rao giảng tin mừng Phúc âm ở khắp La Mã, Ba Tư, Aán Độ, Đông bắc Phi châu... Nối itếp những nhà truyền giáo này còn biết bao nhiêu những nhà truyền giáo vô danh cũng như hữu danh đã từng đem Tin Mừng đi khắp năm châu. Ngày nay, không còn nước nào mà không được Tin Mừng Phúc âm bằng ngôn ngữ của họ, không còn dân tộc nào mà không hiểu Kinh thánh bằng ngôn ngữ của mình. Chỉ còn một số sắc tộc nhỏ còn đang chờ Phúc âm được phiên dịch ra tiếng mẹ đẻ của họ.
Chúng ta là những người con Chúa ở cuối thế kỷ XX. Nhưng mỗi thế hệ cần được truyền giáo như và hơn thế hệ trước, vì số dân tăng mau lẹ và loài người đang tìm được nhiều nơi cư ngụ mới...Vậy “Hãy ra đi...” (c.15), đi làm chứng đến tận cùng trái đất... (Sđcv 1,8) báo ơn cứu độ của Thiên Chúa.
6. Một tin tức không thể tin được.
Việc Phục Sinh của Chúa Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô nhắc lại cho ta điều đó: Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em là hão huyền, trống rỗng, không đối tượng, vô giá trị, vô ích, vì anh em sẽ ở vào tình trạng như xưa.
Chúng ta đã nghe lời công bố về sự sống lại của Chúa Giêsu, vào sáng Phục sinh. Nhưng tự thâm sâu, sự nghi ngờ không chịu rời chúng ta. Chúng ta chưa bao giờ thấy Đấng Phục sinh, chúng ta không biết Ngài ra sao, diện mạo thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu ta có được may mắn như các tông đồ, đức tin của mình sẽ vững bền trước mọi thử thách.
Tuy nhiên, nếu chú ý đến bài Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin mà ta cho là nóng bỏng nơi các tông đồ không phải xảy ra thình lình, cũng không phải là sắt đá : thánh Maccô nhấn mạnh đến ba lần: “nhưng họ không tin”, “và người ta cũng không tin...”, “Ngài trách họ vì họ không tin”.
Tin vào Chúa Giêsu phục sinh đòi hỏi nhiều điều hơn là điều mắt thấy tai nghe. Điều này đòi hỏi ta phải sống một kinh nghiệm về sự phục sinh và giải thoát. Điều này buộc ta phải sống một kinh nghiệm về sự không hạn chế và mở lòng mình để đón nhận sự vô cùng.
Tóm lại, đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh chỉ nảy sinh trong niềm hy vọng rằng tôi, mỗi người chúng ta, cũng đều có khả năng sống lại, nghĩa là con người mình, trong tính chất duy nhất và sâu xa, sẽ tiếp tục hiện diện trên đời.
Chúng ta bắt đầu nhìn bằng cái nhìn nghiêm túc về sự phục sinh của Chúa Kitô, khi chúng ta thấy ý nghĩa của sự phục sinh ấy và tầm quan trọng đối với chúng ta, khi ta thấy dâng lên trong mình một lòng hăm hở sống một cách trọn vẹn, một niềm hy vọng rằng cuộc sống không bị hủy hoại nhưng chỉ biến đổi thôi.
Chỉ khi nào chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp nầy đối với cuộc đời mình, thì chúng ta mới thích thú loan báo tin mừng cho toàn thể nhân loại.
7. Trách nhiệm đối với đức tin
Với Tin mừng hôm nay, thánh Marcô vừa đề cao sứ mệnh cho các tông đồ, vừa nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi ki tô hữu đối với đức tin và những đòi hỏi của phép rửa tội. Cũng như thánh Gioan, thánh sử Marcô cho rằng người mônđệ đầu tiên được Chúa Ki tô lhục Sinh hiện ra là bà Maria Mađalêna, người được Chúa trừ khỏi bảy quỷ. Sau Maria Mađalêna, những người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra cũng không phải là các tông đồ, mà là hai môn đệ trên đường trở về làng cũ. Như vậy, những người được diễm phúc thấy Chúa hiện ra đầu tiên chỉ là những người bên lề của nhóm Mười Hai.
Thánh Marcô cho chúng ta thấy thái độ cứng lòng tin của các tông đồ. Các ngài không tin lời của Maria Mađalêna, cũng chẳng đón nhận chứng từ của hai môn đệ Emmau, vậy mà cuối cùng chứng từ về Chúa Kitô Phục Sinh của các tông đồ vẫn là nền tảng đức tin của chúng ta. Đây là bài học thánh Marcô muốn nêu bật trong Tin mừng hôm nay. Đức tin mà chúng ta đón nhận qua phép rửa tội chính là đức tin Chúa Giêsu đã ủy thác cho các tông đồ, để truyền lại cho chúng ta. Chúng ta tuyên xưng chính đức tin mà các tông đồ đã dùng mạng sống của mình để tuyên xưng và lưu truyền cho chúng ta. Chỉ trong và qua Giáo hội chúng ta mới lãnh nhận được ơn đức tin, bởi vì Giáo hội ấy được xây dựng trên nền tảng là các tông đồ. Do đó, trung thành với đức tin của các tông đồ cũng chính là hiệp thông với Giáo hội.
Dấu chỉ của một đức tin chân thật là sự hiệp thông với Giáo hội, và từ đó cũng hiệp thông với nhau. Giáo hội vốn là đền thờ, trong đó mỗi kitô hữu là một viên gạch sống động. Giáo hội chỉ được hữu hình và hoạt động nhờ sự liên kết chặt chẽ của các viên gạch. Hình ảnh của những viên gạch vừa nói lên sự hiệp thông và trung thành của các tín hữu đối với Giáo hội, vừa nói lên sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm của mỗi kitô hữu.
Các kitô hữu đón nhận đức tin từ Giáo hội. Đức tin ấy không phải là một kho tàng để chôn giấu hay như một nhãn hiệu để trưng bày. Đức tin ấy thiết yếu là một sứ mệnh được trao phó cho từng người. Trong ngôi nhà Giáo hội, mỗi người tùy chỗ đứng và cuộc sống của mình, đều có một trách nhiệm.Trước hết là trách nhiệm đối với bản thân, bởi vì không ai có thể sống đức tin thay cho người khác, cũng không ai được cứu rỗi nếu chính mình không muốn được cứu rỗi. Trách nhiệm đối với bản thân cũng gắn hến đối với tha nhân. Mỗi người đều có trách nhiệm liên đới với phần rỗi của người khác.
Mùa Phục sinh, chúng ta được kêu gọi lặp lại những cam kết của phép rửa tội và tuyên xưng đức tin, mà các tông đồ đã truyền lại cho chúng ta. Ước gì lời tuyên xưng ấy không chỉ là một công thức dừng lại trên môi miệng, mà phải được thể hiện bằng một chứng tá sống động và cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta sức sống mới, và biến chúng ta thành những kitô hữu trưởng thành và sống có trách nhiệm.
8. Loan bao sứ điệp Phục Sinh
Ngày 18/6/1815, Napoleon I đã bị liên minh Anh-Phổ đánh bại trận tại Waterloo. Tin thắng trận của tướng Wellington chỉ huy quân đội Anh đã được truyền về Luân Đôn bằng các tín hiệu. Thế nhưng, khi bản tin được ghi nhận người ta chỉ đọc được như sau: “Tướng Wellington bại trận”, bởi vì lớp sương mù dầy đặc khiến người ta không đọc được trọn vẹn bản tin và như vậy toàn nước Anh như rơi vào tuyệt vọng. Tuy nhiên, khi mặt trời lên, sương mù tan dần, người ta đã đọc được trọn bản tin: “Tướng Wellington đã đánh bại quân thù”. Chẳng mấy chốc sứ điệp được loan báo, ai nấy đều phấn khởi vui mừng.
Bản tin trên đây có thể so sánh với sứ điệp Phục Sinh. Ngày thứ sáu tuần thánh khi bị treo trên Thập giá Chúa Giêsu như kẻ bại trận. Nhưng buổi sáng Phục Sinh Ngài đã trở thành Đấng đánh bại quân thù. Đó là bản tin mà Maria Madalena và hai môn đệ Emmau mang đến cho các môn đệ khác. Nhiều người trong họ không tin, bởi vì tâm hồn họ còn trĩu nặng với bản tin thứ sáu tuần thánh, lớp sương mù dầy đặc của nghi nan chán nản đã không cho họ đọc được hết sứ điệp mà Đức Giêsu đã từng loan báo: “Ngài phải chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang Phục Sinh, ngài phải chịu nhiều đau khổ... nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”.
Sự Phục sinh của Đức Kitô là nền tảng là trọng tâm của niềm tin chúng ta. Nếu Đức Kiiô không sống lại, thì cái chết cũng như toàn bộ lời rao giảng và các phép lạ của Ngài đều trở nên vô ích. Nói như thánh Tông đồ Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của chung ta chỉ là hão huyền và chúng ta là những người ngu xuẩn nhất”.
Đức Kitô đã sống lại đó phải là trọng tâm của niềm tin và lời rao giảng của chúng ta. Kitô giáo không bao giờ tách biệt cái chết khỏi sự phục sinh của Đức Kitô. Lời tung hô sau mỗi lần truyền phép trong thánh lễ, Giáo Hội luôn nối kết cái chết với sự phục sinh: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.
“Hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân”. Mệnh lệnh mà Chúa Gtêsu đã ban bố cho các môn đệ cách đây 2.000 năm, ngày nay cũng được truyền lại cho mọi Kitô hữu. Sứ điệp Phục Sinh mà các môn đệ truyền đến cho chúng ta để loan truyền đến mọi người. Không thể là người Kitô hữu mà lại không loan báo sứ điệp Phục Sinh. Tuy nhiên, sứ điệp Phục Sinh chỉ được loan báo cách trọn vẹn khi giữa những đau khổ, thử thách, người Kitô hữu vẫn thể hiện được niềm tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa; khi giữa những cảnh đời sấu xa chối bỏ lẫn nhau, người Kitô hữu vẫn một mực sống yêu thương, quảng đại, quên mình. Và ước gì, cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người.
9. Thái độ cứng lòng tin.
Hôm nay Phụng vụ của Giáo Hội cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng trích từ Phúc Âm Thánh Marco. Qua đoạn Tin Mừng này, dường như Thánh Marco muốn làm nổi bật thái độ cứng lòng tin của các Tông Đồ khi nghe thuật lại việc Chúa Giêsu sống lại và hiện ra.
Trước tiên là lần bà Maria Madalena, sau khi được Chúa hiện ra, đến báo tin cho các người đã từng ở với Chúa. Nhưng Phúc Âm Marco ghi :” Họ không tin”.
Lần thứ hai là lần ai môn đệ đang trên đưòng về làng Emmaus. Sau khi đã trò truyện dọc đường, được ngồi dùng bữa tối với người khác lạ, các ông đã nhận ra người khác lạ đó chính là Chúa Giêsu, qua việc Ngài bẻ bánh. Hai môn đệ này đã trở lại Giêrusalem và thuật lại cho những môn đệ khác những gì mà hai ông đã mắt thấy tai nghe. Nhưng Phúc Âm Marco ghi: ”Họ cũng không tin”.
“Họ đã không tin” dường như đó là một điệp khúc được lập đi lập lại, không phải chỉ trong thời các môn đệ của Chúa Giêsu mà là trong mọi thời đại của lịch sử nhân loại.
Thực vậy, Thánh Phaolô, khi đến thành Athène, Thủ Đô của Hy Lạp, nơi được coi như là chiếc nôi của triết học, để rao giảng về Chúa Giêsu Phục sinh, thì dân chúng ở đây đã nhạo cười Ngài.
Tại Thessalonica, người ta đã tố cáo các Tông Đồ là những người đi rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh, là những người xúi dục dân nổi loạn.
Tại Ephêsô, các Tông Đồ đã bị kết án là những người gây xáo trộn nền kinh tế, được dặt nền tảng trên việc đắp ngẫu tượng.
Thế rồi sau gần 2000 năm rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, ở đâu Giáo Hội cũng gặp sự chống đối, ở đâu Giáo Hội cũng phải đương đầu với những kẻ không tin.
Nhưng Giáo Hội vẫn luôn luôn tin rằng, Chúa hằng luôn có mặt trong Giáo Hội, và Ngài vẫn độ trì Giáo Hội để tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh.
Chúa đã ở với Giáo Hội sơ khai và Ngài vẫn còn tiếp tục ở với Giáo Hội hôm nay.
Ngày xưa Giáo Hội sơ khai đã phải trải qua biết bao nhiêu thử thách đối với niềm tin. Nhưng sự hiện diện của Chúa, nhờ vào sự kiên trì trong niềm tin, Giáo Hội sơ khai đã vượt qua được những khó khăn thử thách để phát triển thêm lớn mạnh.
Ngày nay Giáo Hội cũng đang phải đương đầu với những thử thách về niềm tin. Những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật trong mọi lãnh vực, đã và đang làm lung lạc niềm tin của nhiều gười, khiến cho có những người đang đặt lại vấn đề niềm tin.
Nhưng phải khẳng định ngay rằng, Đức Tin là một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Nói như thế có nghĩa là, Đức Tin không phải là kết quả của công việc tìm kiếm và suy nghĩ của con người. Bởi đó, nếu chúng ta không được Thiên Chúa lôi kéo, nghĩa là không được Thiên Chúa ban ơn Đức Tin, thì chúng ta sẽ là những người cứng lòng tin.
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, Đấng đã ban Đức Tin cho chúng ta, và chúng ta cũng hãy xin Ngài cho chúng ta được trung thành với niềm tin ấy mãi mãi, để chúng ta không ngừng loan truyền và làm chứng cho niềm tin ấy. Được như thế, Đức Tin sẽ như một ngọn lửa lan rộng mãi mà không gì có thể dập tắt được.
Bước đầu tiên của niềm tin là, tin rằng Thiên Chúa nhân lành. Ngài đã sai Đức Giêsu, Con Một của Ngài xuống thế, chịu chết thay cho nhân loại, để giao hoà nhân loại với Thiên Chúa, tẩy xóa tội lỗi cho nhân loại. Vậy giờ đây chúng ta hãy đến với Chúa để được hưởng sự tha thứ đó qua lòng thống hối ăn năn của chúng ta.
10. Loan Báo Tin Mừng Phục Sinh
Đối với đức tin và những đòi hỏi của phép rửa như Thánh Gỉoan, thánh sử Marcô cho chúng ta biết rằng: người đầu tiên được Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra là bà Maria Mácđala, kẻ đã được Ngài trừ cho bảy quỷ.
Sau bà Maria Mácđala, những người đầu tiên được Chúa Giêsu hiện ra cũng không phải là các Tông đồ, mà là hai môn đệ đang trên đường trở về làng Emmau.
Như vậy những người được diễm phúc thấy Chúa Giêsu đầu tiên cũng chỉ là những người ở bên lề nhóm Mười hai.
Thánh Marcô cho ta thấy thái độ cứng lòng tin của các Tông đồ, các ngài không tin lời của bà Maria Mácđala và cũng chẳng đón nhận chứng từ của hai ngựời đi về làng Emmau. Vậy mà cuối cùng chứng từ về Chúa Kitô Phục sinh của các Tông đồ vẫn là nền tảng đức tin của chúng ta. Đức tin của chúng ta quy chiếu về niềm tin ấy của các Tông đồ.
Đây chính là bài học mà Thánh Marcô muốn dạy cho chúng ta qua đoạn Tin mừng Phục sinh hôm nay. Đức tin mà chúng ta đón nhận qua phép rửa chính là đức tin mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các Tông đồ để truyền lại cho chúng ta.
Chúng ta cần phải trân trọng, gìn giữ và sống đức tin của các Tông đồ mà các ngài đã dùng chính mạng sống của mình để tuyên xưng đức tin và lưu truyền cho chúng ta.
Chỉ trong và qua Giáo hội chúng ta mới lãnh nhận được ơn đức tin. Bởi vì Giáo hội ấy được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ, do đó trung thành với đức tin của các Tông đồ chính là hiệp thông với Giáo hội, và khi hiệp thông với Giáo hội, các tín hữu Kitô cũng hiệp thông với nhau.
Giáo hội vốn là Đền thờ, trong đó mỗi Kitô hữu là mỗi viên gạch sống. Giáo hội hữu hình được hoạt động và liên kết chặt chẽ, đó là nhờ vào những viên gạch này. Hình ảnh viên gạch nói lên sự hiệp thông và trung thành đối với mỗi người tín hữu, vừa nói lên sự trung thành và tinh thần trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu liên kết với nhau trong Đức Kitô.
Chúa Kitô Phục sinh đã không hiện ra trước tiên với các Tông đồ mà với người đàn bà và hai môn đệ không thuộc nhóm Tông đồ. Chính những người này là chứng nhân đầu tiên được sai đến loan báo Tin mừng Phục sinh cho các Tông đồ, và cũng được sai đi loan báo cho mọi người Tin mừng ấy.
Các tín hữu Kitô được đón nhận đức tin từ Giáo hội, đức tin ấy không phải là một kho tàng để chôn dấu hay như một nhãn hiệu để trưng bày. Nhưng đức tin ấy thiết yếu là một sứ mệnh được trao phó cho từng người trong ngôi nhà Giáo hội mà mỗi người tín hữu Kitô là một viên gạch sống động.
Mỗỉ người chúng ta tùy theo chỗ đứng và vai trò để lãnh trách nhiệm. Trước hết là trách nhiệm đối với bản thân, bởi vì không ai cố thể sống đức tin thay cho người khác. Thứ đến trách nhiệm đối với tha nhân, là mỗi ngườị ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.
Các bạn thân mến,
Mùa Phục sinh ta được kêu gọi để lặp lại những cam kết của phép Rửa tội và tuyên xưng đức tin mà các Tông đồ đi truyền lại. Ước gì lời tuyên xưng ấy không chỉ dừng lại trên môi miệng của ta, mà phải được thể hiện bằng một chứng tá sống động, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của ta.
Sưu tầm và tổng hợp
Post A Comment:
0 comments: