Navigation

ĐGH Phanxicô - Bài Giảng Lễ Truyền Dầu 2018

“Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, ‘Mẹ Của Sự Gần Gũi’ đưa chúng ta lại gần hơn với người khác, và khi chúng ta cần nói với dân của chúng ta ‘làm mọi sự mà Chúa Giêsu nói họ làm’, thì hãy nói bằng một cung giọng, để trong sự đa dạng của những ý kiến của chúng ta, thì sự gần gũi của Mẹ có thể hiện diện. Vì Mẹ là người, mà qua tiếng ‘vâng’ của Mẹ, đã đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu mãi mãi”.

Anh em linh mục Giáo Phận Rôma và các giáo phận khác trên khắp thế giới thân mến!
Khi tôi đọc các bản văn phụng vụ của ngày hôm nay, tôi luôn nghĩ về đoạn từ Sách Đệ Nhị Luật: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (4:7). Sự gần gũi của Thiên Chúa...sự gần gũi tông đồ của chúng ta.
Trong bài đọc theo Sách Tiên Tri Isaia, chúng ta chiêm ngắm Vị Tôi Trung “được xức dầu và được sai đi” vào giữa dân của Người, gần gũi với người nghèo, người đau yếu, tù nhân, cũng như Thần Khí là Đấng “ngự trên Ngài”, Đấng củng cố và đồng hành với Ngài trên hành trình của Ngài.
Trong Thánh Vịnh 88, chúng ta thấy sự gần gũi của Thiên Chúa là thế nào, khi Ngài dắt tay Vua Đa-vít khi ông còn trẻ, và đã nuôi dưỡng ông khi ông già nua, mặc lấy danh xưng về sự trung tín: sự gần gũi vẫn luôn theo thời gian gọi là sự trung tín.
Sách Khải Huyền đưa chúng ta đến gần với Chúa là Đấng “đến” – Erchómenos – bằng con người. Những lời “mọi đôi mắt sẽ nhìn thấy Ngài, ngay cả những người đã đâm Ngài” giúp chúng ta nhận ra rằng các vết thương của Chúa Phục Sinh luôn luôn hữu hình. Chúa luôn luôn đến với chúng ta, nếu chúng ta chọn đến gần, như “những người thân cận”, với thân xác của tất cả mọi người chịu đau khổ, đặc biệt là trẻ em.
Trọng tâm của Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Thiên Chúa qua đôi mắt của chính dân của Người, một dân “chăm chú nhìn Người” (Lc 4:20). Chúa Giêsu đứng lên để đọc trong hội đường của Ngài tại Nazareth. Ngài được trao cuộn sách tiên tri Isaia. Ngài mở ra cho đến khi Ngài thấy, gần cuối, đoạn về Người Tôi Trung. Ngài đọc thật lớn tiếng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi" (Is 61:1). Và Ngài kết thúc bằng việc thách đố những người nghe Ngài hãy nhìn nhận sự gần gũi được chứa đựng trong những lời này: “Hôm nay ứng nghiệm Kinh Thánh lời các người vừa nghe” (Lc 4:21).
Chúa Giêsu thấy đoạn ấy và đọc bằng sự thuần thục của một kinh sư. Có lẽ Ngài là một kinh sư hay một tiến sĩ luật, nhưng Ngài muốn là một “nhà truyền giáo”, một vị giảng thuyết hè phố, “người mang tin vui tươi” cho dân Người , vị giảng thuyết mà đôi chân thật tuyệt vời như Isaia nói.
Đây là sự chọn lựa tuyệt vời của Thiên Chúa: Thiên Chúa chọn để gần gũi với dân Người. Ba mươi năm của đời sống ân dật! Chỉ khi đó thì Ngài bắt đầu giảng dạy. Ở đây chúng ta thấy phương pháp sư phạm của Sự Nhập Thể, phương pháp sư phạm của sự hội nhập văn hóa, không chỉ là ở trong những nền văn hóa nước ngoài mà còn ở trong chính các giáo xứ của chúng ta, trong nền văn hóa mới của giới trẻ...
Sự gần gũi thì hơn cả tên gọi của một nhân đức cụ thể; đó là một thái độ có liên quan đến toàn bộ con người, cách liên hệ của chúng ta, cách chú tâm của chúng ta cả với chính bản thân mình và với người khác... Khi người dân nói về một linh mục, “vị ấy gần gũi với chúng ta”, thì họ thường có ý nói hai điều. Điều thứ nhất là “vị linh mục ấy luôn hiện diện ở đó” (trái lại với không bao giờ ở đó: trong trường hợp ấy, họ luôn bắt đầu nói, “thưa Cha, con biết Ngài luôn bận rộn...”). Điều thứ hai là người linh mục ấy nói với hết mọi người. “Cha ấy nói chuyện với hết mọi người”, họ nói, với những người lớn và trẻ em, với người nghèo, với những người không tin... Các linh mục là những người “gần gũi”, sẵn sàng, linh mục là người ở đó vì người khác, người thích trò chuyện với mọi người...các linh mục hè phố.
Một trong những người này đã học từ Chúa Giêsu cách để trở thành một nhà giảng thuyết hè phố là Phi-líp-phê. Trong Sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đọc thấy rằng ông đi truyền giáo ở tất cả các thành phố và rằng họ đầy tràn niềm vui (x. 8:4.5-8). Ông Phi-líp-phê là một trong những người mà Thần Khí có thể “tóm lấy” bất cứ lúc nào và làm cho ông ra đi để truyền giáo, đi từ nơi này đến nơi kia, một người có khả năng ngay cả làm phép rửa cho người có niềm tin tốt lành, giống như viên quan của Nữ Hoàng Xứ Ethiopia, và thực hiện ngay tại đó trên đường đi (x. Cv 8:5.36-40).
Sự gần gũi là thiết yếu với một nhà truyền giáo vì nó là thái độ chính trong Tin Mừng (Chúa sử dụng thái độ này để mô tả về Nước của Ngài). Chúng ta có thể chắc chắn là sự gần gũi là chìa khóa cho lòng thương xót, vì lòng thương xót sẽ không phải là lòng thương xót trừ khi, giống như Người Samaritanô Nhân Hậu, lòng thương xót tìm thấy những cách thế để rút ngắn các khoảng cách. Nhưng tôi cũng nghĩ là chúng ta cần phải nhận ra thậm chí hơn nữa là sự gần gũi cũng là chìa khóa cho sự thật. Liệu những khoảng cách lại thật sự có thể được rút ngắn lại nơi mà sự thật có liên hệ không? Có, chúng có thể được rút ngắn lại. Vì sự thật không chỉ là một sự định nghĩa về các hoàn cảnh hay mọi sự từ một khoảng cách nhất định, bởi lối lý luận trừu tượng và logic. Sự thật còn hơn thế. Sự thật cũng là sự trung thành (émeth).  Sự thật giúp cho anh em gọi tên của người dân bằng tên thật của họ, như Thiên Chúa đã gọi đích danh họ trước khi phân loại họ hay định nghĩa “hoàn cảnh của họ”.
Chúng ta phải cẩn thận để không rơi vào cơn cám dỗ của việc tạo ra những ngẫu tượng về những sự thật trừu tượng nhất định nào đó. Chúng có thể trở thành những ngẫu tượng an nhàn, luôn bên trong tầm với dễ dàng; chúng mang lại một uy tín và quyền lực nhất đinh và khó để biện phân. Vì “ngẫu tượng-sự thật” thì bắt chước, nó mặc cho nó giống những lời của Tin Mừng, nhưng lại không để cho những lời này chạm vào tâm hồn. Tệ hơn, nó làm xa cách thường dân khỏi sự gần gũi chữa lành của lời và các bí tích của Chúa Giêsu.
Ở đây, chúng ta hãy hướng lên Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục. Chúng ta có thể kêu lên Mẹ là “Nữ Vương Của Sự Gần Gũi”. “Là một người mẹ thật, Mẹ bước đi cạnh chúng ta, Mẹ chung phần vào những cuộc vật lộn của chúng ta  và Mẹ liên lỉ bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa”, theo mọt cách thế mà không ai có thể cảm nhận bị loại ra ngoài (Evangelii Gaudium, 286). Mẹ của chúng ta không chỉ gần gũi khi Mẹ lên đường “vội vã” để phục vụ, vốn là một phương thế của sự gần gũi, nhưng còn cả cách thể hiện chính bản thân Mẹ nữa (ibid., 288). Ngay tại thời điểm ở Cana, cung giọng mà Mẹ nói với các gia nhân, “Thầy bảo gì anh em hãy làm theo”, sẽ làm cho những lời này trở thành khuôn mẫu mẫu tử của tất cả mọi ngôn từ của giáo hội, nhưng để nói những lời này như Mẹ, thì chúng ta không chỉ phải xin Mẹ ân sủng để làm thế, mà còn hiện diện bất cứ nơi nào mà những điều quan trọng được “pha trộn vào”: những điều quan trọng của mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, mỗi nền văn hóa. Chỉ qua kiểu gần gũi này mà chúng ta có thể biện phân là rượu đang thiếu, và điều gì là tốt nhất mà Thiên Chúa muốn mang lại.
Tôi đề nghị là anh em hãy suy tư về ba lãnh vực của sự gần gũi linh mục, đoạn có những lời “Thầy bảo gì anh em hãy làm theo”, cần phải được nghe – bằng hàng ngàn cách với cùng một cung giọng mẫu tử - trong tâm hồn của tất cả mọi người mà những lời này muốn nói với. Những từ ấy là “sự đồng hành thiêng liêng”, “giải tội”, và “giảng dạy”.
Sự gần gũi trong sự trò chuyện thiêng liêng. Chúng ta hãy suy tư về điều này bằng việc xét đến cuộc gặp gỡ giữa Chúa với người phụ nữ Samari. Chúa dạy cho bà biết biện phân trước hết cách thờ phượng, trong thần trí và sự thật. Sau đó, Ngài khẩn thiết giúp bà nhận ra tội lỗi của mình. Sau cùng, Ngài tiêm nhiễm vào bà bằng tinh thần truyền giáo của Ngài và đi cùng với bà ấy để truyền giáo cho ngôi làng của bà. Chúa mang lại cho chúng ta một khuôn mẫu của sự đàm đạo thiêng liêng; Ngài biết cách đưa tội lỗi của người phụ nữ Samari ra ánh sáng mà không phủ bóng tối trên lời cầu nguyện tôn thờ của bà hay đưa hoài nghi vào ơn gọi truyền giáo của bà.
Sự gần gũi trong giải tội. Chúng ta hãy suy tư về điều này bằng việc suy đến đoạn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thật rõ ràng là ở đây sự gần gũi là tất cả, vì những sự thật của Chúa Giêsu luôn luôn tiếp cận và có thể được nói diện đối diện. Nhìn vào mắt người khác, giống như Chúa, là Đấng, sau khi đã quì gối xuống cạnh người phụ nữ dâm loạn đang chuẩn bị bị ném đá, đã đứng lên và nói với bà, “Còn Ta, Ta không lên án chị đâu” (Ga 8:11). Điều này không có nghĩa là làm trái với lề luật. Chúng ta cũng có thể thêm, “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”, không phải với giọng điều pháp lý của sự thật như định nghĩa – cung giọng của những người cảm thấy rằng họ phải quyết định những giới hạn của lòng thương xót thánh. Trái lại, những lời này cần phải được nói bằng cung giọng của sự thật như là sự trung tín, để giúp cho tội nhân biết nhìn về phía trước chứ không phải về phía sau. Cung giọng đúng của những lời “đừng phạm tội nữa” được thấy ở nơi vị giải tội là người nói những lời này và sẵn lòng lặp lại chúng bảy mươi lần bảy.
Sau cùng, gần gũi trong giảng dạy. Chúng ta hãy suy tư về điều này bằng việc nghĩ đến những người đang lạc xa, và nghe bài giảng đầu tiên của Phêrô, vốn là một phần của biến cố Hiện Xuống. Phêrô tuyên bố rằng lời “là cho hết mọi người đang lạc xa” (Cv 2:39), và Ngài rao giảng theo một cách thế như vậy để chúng “cứa vào tim” qua việc rao giảng, điều dẫn họ đến chỗ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37). Một câu hỏi, như chúng ta đã nói, chúng ta phải luôn đặt ra và trả lời theo một cung giọng Maria và giáo hội. Bài giảng là viên đá thử vàng “để phán quyết sự gần gũi và khả năng giao tiếp của một vị mục tử với dân của vị ấy (Evangelii Gaudium, 135). Trong bài giảng, chúng ta có thể thấy chúng ta đang gần gũi thế nào với Thiên Chúa trong cầu nguyện và chúng ta đang gần gũi với dân của chúng ta trong đời sống hằng ngày của họ thế nào.
Tin mừng trở nên hiện tại khi hai hình thức của sự gần gũi này nuôi dưỡng và cổ võ nhau. Nếu anh em cảm thấy xa Thiên Chúa, hãy đến gần hơn với dân của anh em, là những người sẽ chữa lành anh em khỏi những thứ ý thức hệ làm nguội lạnh lòng nhiệt thành của anh em. Những người bé mọn sẽ dạy anh em biết nhìn vào Chúa Giêsu theo một cách khác. Vì trong đôi mắt của họ, con người của Chúa Giêsu thật hấp dẫn, gương tốt lành của Ngài có thẩm quyền luân lý, giáo huấn của Ngài thật hữu ích cho cách mà chúng ta sống đời sống của chúng ta. Nếu anh em cảm thấy xa người dân, thì hãy đến với Chúa và Lời Ngài: trong Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ dạy anh em cách nhìn người của Ngài, và mỗi một cá nhân thật quý giá biết bao trong mắt Ngài những người mà Ngài đã đổ máu Ngài trên thập giá cho họ. Trong sự gần gũi với Thiên Chúa, Lời sẽ thành xác phàm nơi anh em và anh em sẽ trở thành một linh mục gần gũi hết mọi người. Qua sự gần gũi của anh em với dân của Thiên Chúa, nỗi khổ của họ sẽ nói với tâm hồn anh em và anh em sẽ được thôi thúc để nói với Thiên Chúa. Một lần nữa anh em sẽ thành linh mục chuyển cầu.
Một vị linh mục gần gũi với dân của mình thì bước đi giữa họ bằng sự gần gũi và dịu dàng của một vị mục tử; trong khi chăn dắt họ, vị mục tử đôi khi đi trước họ, đôi khi ở giữa họ và đôi khi đi phía sau họ.
Không chỉ người dân sẽ hết sức trân trọng một vị linh mục như thế; mà còn hơn thế nữa, họ cảm thấy rằng có một điều gì đó đặc biệt về vị linh mục: một điều mà họ chỉ cảm thấy trong sự hiện diện của Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao việc biện phân sự gần gũi của chúng ta với họ không chỉ đơn giản là một điều gì khác cần làm. Trong khi biện phân, hoặc chúng ta sẽ làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống của con người hoặc để cho Ngài mãi mãi là những mức độ của những ý niệm, những câu chữ trên trang giấy, hãy nhập thể cao nhất một thói quen tốt nào đó dần dần trở thành một thông lệ.
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, “Mẹ Của Sự Gần Gũi’”đưa chúng ta lại gần hơn với người khác, và khi chúng ta cần nói với dân của chúng ta ‘làm mọi sự mà Chúa Giêsu nói họ làm’, thì hãy nói bằng một cung giọng, để trong sự đa dạng của những ý kiến của chúng ta, thì sự gần gũi của Mẹ có thể hiện diện. Vì Mẹ là người, mà qua tiếng “vâng” của Mẹ, đã đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu mãi mãi.
Share
Banner

Post A Comment:

0 comments: