Vatican, 31/03/2018
(MAS) – Truyền Thống của Chặng Đàng Thánh Giá hay Via Crucis, được tổ
chức tại Hí Trường Colosseum của Rôma vào Thứ Sáu Tuần Thánh, là một
ngày khởi đi từ thời Đức Giáo Hoàng Benedict XIV vào thế kỷ 18. Nó được
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khởi sự lại vào năm 1964 và đã được các giáo
hoàng kế nhiệm thực hiện lại từ đó.
Năm nay, những bài suy niệm 14 Chặng Đàng Thánh Giá được 15 bạn trẻ tuổi từ 16 đến 27 biên soạn. Hai điều bất bình thường có liên quan đến việc này. Thứ nhất, có tuổi của các tác giả: họ là những người trẻ và tuổi vị thành niên, 9 trong số này là sinh viên học tại trường Liceo Pilo Albertelli. Thứ hai, có một khía cạnh “hợp ca” trong công việc của các bạn, vốn là một bản giao hưởng của nhiều cung giọng. Cá bạn ấy không chỉ là “những bạn trẻ” nói chung; mà thay vào đó, các bạn có tên gọi cụ thể là Valerio, Maria, Margherita, Francesco, Chiara, Greta và các bạn khác.
CHẶNG THỨ NHẤT
Chúa Giêsu Bị Kết Án Tử
(Tác giả: Valerio De Felice)
Trích Tin Mừng theo Thánh Luca
Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra". Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. Và ông Philatô phán quyết chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Con Ðức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn (Lc 23:22-25)
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu, đang đứng trước nhà xét xử, một người nỗ lực đến ba lần để chống lại ý muốn của đám đông, và cuối cùng thì quyết định để không đưa ra quyết định. Con thấy Ngài đứng đó trước đám đông; họ đã yêu cầu ba lần và mỗi lần họ lại quyết định chống lại Ngài. Đám đông, nói theo cách khác, mọi người và chẳng là ai cả. Núp trong đám dông, chúng con đánh mất cá vị của chúng con; chúng con trở thành tiếng nói của hàng ngàn tiếng nói khác. Ngay cả trước khi chúng con khước từ Chúa, thì chúng con đã khước từ chúng con, tự làm loãng trách nhiệm của chúng con trước dòng nước đang sôi sục của một đám đông vô diện. Và rồi chúng con nhận trách nhiệm. Được thiêu đốt bởi những người đang sôi sục cơn giận, bởi sự dữ đang tiêm nhiễm chính nó bằng một cung giọng cám dỗ và gây điếc tai, đó chính là chúng con, tất cả nhân loại này, là những người đang kết án Chúa.
Ngày nay, chúng con kinh hoàng trước sự bất công quá lớn lao; chúng con không muốn là một thành phần của sự bất công này. Nhưng bằng cách này thì chúng con lại lãng quên hết tất cả những lần khi mà chúng con đã sẵn sàng cứu lấy Barabbas thay vì Chúa. Tất cả những lần đó là khi đôi tai của chúng con bị tiếc trước tiếng nói của sự tốt lành, khi chúng con yêu thích không thấy sự bất công ở quanh chúng con.
Nơi quảng trường chật cứng người ấy, có lẽ đã đủ cho một tâm hồn phải chần chừ, cho một tiếng nói được cất lên để chống lại hàng ngàn tiếng nói của sự dữ. Bất cứ khi nào cuộc sống đặt ra trước mắt chúng con một quyết định cần phải được thực hiện, xin cho chúng con được nhắc nhớ về quảng trường ấy và sai lầm ấy. Xin cho chúng con biết để cho tâm hồn chúng con biết chần chừ và ra lệnh cho tiếng nói của chúng con phải lên tiếng.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin Chúa, hãy canh phòng các quyết định của chúng con, mang lại cho những quyết định này sự rõ ràng bởi ánh sáng của Chúa, và dẫn chúng con đến việc biết hỏi những câu hỏi đúng. Chỉ có sự dữ mới không bao giờ hoài nghi. Cây bén rễ sâu dưới lòng đất, sẽ khô héo, nếu được tưới bởi sự dữ, nhưng Chúa đã đặt rễ của chúng con trên thiên đàng, và các nhành của chúng con thì ở dưới đất, để biết và đi theo Chúa. Lạy Cha....
CHẶNG THỨ HAI
Chúa Giêsu Nhận Thập Giá
(Tác giả: Maria Tagliaferri & Margherita Di Marco)
Trích Tin Mừng theo Thánh Mác-cô
Rồi Ðức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Mc 8:34-35).
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu, đang đội mão gai khi Chúa nhận lấy thập giá. Chúa đón nhận nó, như Chúa luôn đón nhận mọi sự và mọi người. Họ làm cho Chúa ra nặng nề bằng sức nặng của thập giá, nặng nề và khô ráp, nhưng Chúa không nổi loạn, Chúa không chối bỏ công cụ hành hình bất công và hạ nhục ấy. Chúa vác lấy nó và bắt đầu bước đi, mang nó trên đôi vai của Chúa.
Biết bao lần con đã nổi loạn trong sự giận dữ trước những gánh nặng mà con đã nhận lãnh, coi chúng như là nặng nề và bất công. Đó là cách của Chúa. Chúa chỉ lớn hơn con vài tuổi – ngày nay chúng con có thể coi Chúa là vẫn còn trẻ - nhưng Chúa đang đón nhận. Chúa đón nhận cách nghiêm túc điều mà cuộc sống mang lại cho Chúa, mọi cơ hội mà cuộc sống này mang lại, như thể Chúa muốn đi đến trọng tâm của mọi sự, để khám phá rằng luôn có điều gì đó vượt ra khỏi những vẻ bề ngoài, một điều đó đáng chú ý và có ý nghĩa. Nhờ Chúa, con hiểu rằng đây là một thập giá của ơn cứu độ và giải thoát, một thập giá đỡ con lên bất cứ khi nào con té ngã, một cái ách dễ dàng, một gánh nặng nhẹ nhàng.
Sự bê bối của cái chết của Con Thiên Chúa, cái chết của một tội nhân, cái chết của một tên tử tội, mang lại cho chúng con ân sủng để khám phá giữa sự buồn sầu về sự phục sinh của Chúa, giữa đau khổ về vinh quang của Chúa, giữa cơn đau đớn về ơn cứu độ của Chúa. Và chính bản thân thập giá, như một lời hứa từ mọi cái chết sẽ có một sự sống mới, và trong mọi nơi tăm tối sẽ có ánh sáng chiếu soi. Và vì thế chúng con có thể thưa lên: “Ôi thánh giá, niềm hy vọng của chúng con!”
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin Chúa dưới ánh sáng của thập giá, biểu tượng của niềm tin, xin giúp chúng con biết chấp nhận những đau khổ của chúng con, được soi sáng bởi tình yêu của Chúa, biết đón nhận những thập giá của chúng con, được làm cho vinh hiển bởi cái chết và sự phục sinh của Chúa. Xin ban cho chúng con ân sủng để biết nhìn lại mọi câu chuyện cuộc đời chúng con và biết tái khám phá lại ở nơi chúng tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Lạy Cha...
CHẶNG THỨ BA
Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất Lần Thứ Nhất
(Tác giả: Caterina Benincasa)
Trích Sách Tiên Tri Isaia
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta (Is 53:4).
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Gieessu, đang trên đường lên đồi Can-vê mang theo tội lỗi của chúng con. Con thấy Chúa té, tay và đầu gối trên mặt đất, đớn đau. Với sự khiêm nhường lớn lao Chúa đã thật sự ngã! Và thật là một sự nhục mà lớn lao mà giờ đây Chúa đang chịu lấy! Bản tính con người của Chúa, con người thật sự của Chúa, được thấy rõ ràng nơi sự mỏng giòn này của đời sống Ngài. Thập giá Chúa đang mang là một thập giá nặng nề. Chúa cần sự trợ giúp để mang vác nó, nhưng khi Chúa ngã xuống đất, thì không ai giúp Chúa cả. Thay vào đó, người ta chế giễu Chúa, họ cười nhạo trước cảnh tượng một Thiên Chúa gục ngã. Có lẽ họ thất vọng, có lẽ họ đã có một ý tưởng lầm lạc về con người mà Chúa là. Đôi khi chúng con nghĩ rằng tin vào Chúa có nghĩa là không bao giờ ngã trong cuộc sống. Cùng với Chúa, con cũng ngã, và những ý tưởng của con cùng với con, những ý tưởng mà con có về Chúa. Chúng thật mỏng giòn biết bao!
Con thấy Chúa, Giêsu, khi Ngài nghiến răng và, trong sự đầu hàng trọn vẹn trước tình yêu của Chúa Cha, Chúa đã đứng lên và tiếp tục hành trình của Chúa. Với những điều này, những bước đi chập choạng đầu tiên của Chúa dưới thập giá, Chúa Giêsu, Chúa nhắc con nhờ về một đứa trẻ đang tập bước đi những bước đầu đời. Mất thăng bằng, đứa trẻ ngã và khóc, nhưng rồi lại tiếp tục bước đi. Nó phó thác vào trong tay của cha mẹ nó và không đầu hàng. Nó sợ nhưng vẫn tiếp tục bước đi, vì niềm tin thì mãnh liệt hơn sự sợ hãi.
Với sự can đảm của Chúa, Chúa dạy chúng con biết rằng những thất bại và vấp ngã của chúng con phải không bao giờ ngăn chặn lại hành trình của chúng con, và rằng chúng con luôn có một chọn lựa: đầu hàng hay đứng lên, trong sự hiệp nhất với Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin Chúa ban cho chúng con là những người trẻ lòng can đảm để đứng lên sau mỗi thất bại, như Chúa đã thực hiện trên đường lên đồi Can-vê. Xin ban ơn để chúng con biết luôn trân trọng quà tặng lớn lao và quý giá của sự sống, và rằng những thất bại và vấp ngã sẽ không bao giờ là một lý do để ném sự sống ấy đi. Chúng con biết rằng nếu chúng con tín thác vào Chúa, thì chúng con sẽ có thể đứng lên trở lại và tìm thấy sức mạnh để tiếp tục, luôn luôn thế. Lạy Cha...
CHẶNG THỨ TƯ
Chúa Giêsu Gặp Mẹ Người
(Tác giả: Agnese Brunetti)
Trích Tin Mừng theo Thánh Luca
Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra (Lc 2:34-35)
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu, khi Chúa gặp mẹ Chúa. Mẹ Maria có mặt ở đó, đang đi trên con đường đông đúc, với nhiều người quanh Mẹ. Điều duy nhất khiến Mẹ khác biệt với người khác là sự thật là Mẹ ở đó để đồng hành với Con Mẹ. Một điều mà chúng con thấy mỗi ngày: các bà mẹ đồng hành với các con của họ đến trường hay đi bác sĩ, hay đưa chúng đi làm. Nhưng Mẹ Maria thì khác so với các bà mẹ khác: Mẹ đang đồng hành với con của Mẹ đến cái chết của Ngài. Thấy con mình chết là điều tồi tệ nhất, điều trái tự nhiên nhất mà bất cứ ai có thể hình dung đối với một người, và điều đó còn trở nên tàn bạo hơn nếu người con ấy chết trong tay lề luật. Thật không tự nhiên và bất công biết bao là cảnh tượng diễn ra trước mắt con! Mẹ của con đã tiêm vào con một cảm thức về sự công bằng và tin tưởng trong cuộc sống, nhưng điều mà con thấy ngày nay chẳng có liên hệ gì đến điều đó cả: điều đó thật vô nghĩa và đớn đau.
Con thấy Mẹ, Mẹ Maria, khi Mẹ nhìn vào người con tội nghiệp của Mẹ. Ngài mang lấy trên lưng của Ngài những dấu vết của sự hành hình và Ngài bị buộc phải mang lấy sức nặng của thập giá; chẳng bao lâu, chẳng hoài nghi gì, trong sự kiệt quệ của Ngài thì Ngài sẽ té ngã ngay dưới thập giá. Nhưng Mẹ biết rằng, chằng sớm thì muộn, điều này sẽ diễn ra. Điều đó đã được nói tiên tri với Mẹ, nhưng giờ đây việc ấy đang diễn ra, mọi thứ rất khác. Đó là cách mà mọi thứ là: chúng con luôn không chuẩn bị trước những thực tại nghiệt ngã của cuộc sống. Mẹ Maria, giờ đay Mẹ đang u sầu, như bất cứ một người phụ nữ nào sẽ thế nếu ở trong vị trí của Mẹ, nhưng Mẹ không tuyệt vọng. Đôi mắt của Mẹ không mờ đi; Mẹ không chán nản và thất vọng. Mẹ rạng ngời ngay cả trong sự buồn sầu của Mẹ, vì Mẹ có niềm hy vọng. Mẹ biết rằng hành trình này của con Mẹ sẽ không phải là chuyến đi một chiều. Mẹ biết, Mẹ cảm, như chỉ những bà mẹ mới có thể cảm nhận, rằng Mẹ sẽ sớm gặp lại Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin Chúa: luôn giúp chúng con biết giữ trước mắt chúng con gương của Mẹ Maria, Mẹ đã chấp nhận cái chết của con Mẹ như là mầu nhiệm cứu chuộc lớn lao. Xin giúp chúng con biết hành động với cái nhìn bám chặt vào thiện ích của người khác, và biết chết trong niềm hy vọng vào sự phục sinh, ý thức rằng chúng con không bao giờ đơn độc hay bị Thiên Chúa hay Mẹ Maria bỏ mặc, người mẹ yêu thương hằng luôn quan tâm đến con cái của Mẹ. Lạy Cha...
CHẶNG THỨ NĂM
Ông Simon Kyrênê Vác Thập Giá Đỡ Chúa Giêsu
(Tác giả: Chiara Mancini)
Trích Tin Mừng theo Thánh Luca
Khi điệu Ðức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Giêsu (Lc 23:26).
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu, đã bị nghiền nát dưới sức nặng của thập giá. Con thấy rằng Chúa không thể thực hiện việc đó một mình: Vào thời khắc Chúa cần giúp đỡ nhất, Chúa vẫn một mình, không có những người tự gọi mình là bạn hữu của Chúa. Giu-đa đã phản bội Chúa, Phêrô đã khước từ Chúa, những người khác thì bỏ mặc Chúa. Nhưng đột nhiên có một cuộc gặp gỡ ngoài mong đợi với một người không quen biết, chỉ là một khách qua đường, một người có lẽ chỉ nghe biết về Chúa chứ không theo Chúa. Nhưng giờ đây ông ấy đang ở cạnh Chúa, vai kề vai, để chia sẻ gánh nặng của Chúa. Tên ông là Simon và ông là một người khách lạ đến từ nơi xa, Kyrênê. Đối với ông thì ngày hôm nay một điều gì đó ngoài sự mong đợi đang xảy ra, một điều trở thành một cuộc gặp gỡ.
Mỗi ngày chúng con kinh nghiệm nhiều cuộc gặp gỡ và mâu thuẫn, đặc biệt là của chúng con là những người trẻ. Chúng con liên tục gặp gỡ những kinh nghiệm mới và con người mới. Trong những cuộc gặp gỡ ngoài mong đợi, trong những biến cố tình cờ, trong những kinh ngạc lạ lùng, có những cơ hội tàng ẩn để yêu thương, để thấy điều tốt nhất nơi những người thân cận của chúng con, ngay cả những người dường như khác với chúng con.
Đôi khi, Chúa Giêsu ơi, chúng con cảm thấy giống như Chúa, bị bỏ mặc bởi những người mà chúng con nghĩ là bạn hữu của chúng con, bị nghiền nát bởi một sức nặng khủng khiếp. Nhưng chúng con phải không được quên rằng có một Simon Kyrênê sẵn sàng gánh vác lấy thập giá của chúng con. Chúng con phải nhớ rằng chúng con không đơn độc và, trong sự nhận biết ấy, chúng con sẽ tìm thấy sức mạnh để vác lấy thập giá của những người xung quanh chúng con.
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu: giờ đây dường như Chúa đang kinh nghiệm một chút xoa dịu. Chúa sắp xếp, theo từng phút giây, để có một hơi thở, giờ đây Chúa không con đơn độc nữa. Con cũng thấy ông Simon. Ai mà biết được liệu ông có nhận thấy rằng ách của Chúa thì nhẹ nhàng, và liệu ông có trân trọng ý nghĩa của biến cố ngoài mong đợi này trong đời ông hay không.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin Chúa, ban cho mỗi người chúng con lòng can đảm để giống như ông Simon Kyrênê, là người đã vác lấy thập giá của Chúa và đi theo những bước của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết khiêm nhường đủ và mạnh mẽ đủ để vác lấy những thập giá của những người mà chúng con gặp gỡ. Xin ban cho chúng con, để khi chúng con cô đơn, chúng con có thể nhận ra trên hành trình của chúng con một Simon Kyrênê là người sẽ dừng lại và giúp mang lấy gánh nặng của chúng con. Xin ban cho chúng con để chúng con thấy điều tốt nhất ở nơi mọi người, và mở ra cho hết mọi kiểu gặp gỡ. Con cầu xin để mỗi người chúng con có thể cách tình cờ tìm thấy chính mình đang bước đi bên cạnh Chúa. Lạy Cha...
CHẶNG THỨ SÁU
Bà Vêrônica Lau Mặt Chúa Giêsu
(Tác giả: Cecilia Nardini)
Trích Sách Tiên Tri Isaia
Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới (Is 53:2-3)
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu, đã tàn tạ và khó có thể nhận ra, đã bị đối xử giống như người thấp bé nhất trong loài người. Chúa bước đi, chao đảo, đến cái chết của Chúa, gương mặt Chúa chảy máu và biến dạng, nhưng, vẫn luôn thế, hiền lành và khiêm nhường, nhìn lên. Một người phụ nữ bước ra khỏi đám đông để nhìn thật sát diện mạo ấy của Chúa mà, có lẽ đã nói quá thường xuyên với linh hồn bà và một diện mạo mà bà yêu mến. Bà thấy nỗi đau của diện mạo ấy và muốn giúp đỡ. Họ không để cho bà đi qua, có quá nhiều người trong số họ, tất cả là quá nhiều, và họ có vũ khí. Nhưng với bà, không một điều gì trong số đó quan trọng cả; bà quyết tâm đi đến với Chúa và trong một giây phút bà thành công trong việc chạm vào Chúa, chăm sóc cho Chúa bằng chiếc khăn che mặt của bà. Sức mạnh của bà là sức mạnh của sự dịu dàng. Đôi mắt của Chúa trong một giây lát, diện đối diện.
Chúng con chẳng biết gì về người phụ nữ ấy, bà Vêrônica, hay câu chuyện của bà. Bà có được thiên đàng bằng một cử chỉ bác ái đơn sơ. Bà tiến tới Chúa, thấy diện mạo thống khổ của Chúa và yêu mến diện mạo ấy thậm chí hơn bao giờ hết. Bà Vêrônica không dừng lại ở những dáng vẻ bề ngoài, điều mà ngày nay quá quan trọng trong xã hội ý thức hình ảnh của chúng con. Bà yêu, cách vô điều kiện, một diện mạo vốn không đẹp mắt, mờ nhạt, không đáng yêu và không hoàn hảo. Diện mạo ấy, diện mạo của Chúa, Chúa Giêsu, trong sự rất không hoàn hảo của diện mạo Chúa, tỏ ra sự hoàn hảo của tình yêu của Chúa dành cho chúng con.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, con cầu xin Chúa ban cho con sức mạnh để gặp gỡ người khác, để gặp gỡ mọi người, già hay trẻ, ngheo hay giàu, bạn hữu hay khách lạ, và để thấy được diện mạo của Chúa nơi tất cả những diện mạo này. Xin giúp con đừng bao giờ chần chừ trong việc đến giúp người thân cận của con, ở nơi người ấy Chúa đang ngự trị, ngay cả như bà Vêrônica đến giúp Chúa trên đường lên đồi Can-vê. Lạy Cha...
CHẶNG THỨ BẢY
Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất lần Thứ Hai
(Tác giả: Francesco Porceddu)
Trích Sách Tiên Tri Isaia
Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Ðức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Ðức Chúa sẽ thành tựu (Is 53:8.10).
SUY NIỆM
Con thấy Ngài, Chúa Giêsu, lại ngã một lần nữa trước mắt con. Qua việc ngã lại một lần nữa, Chúa cho con thấy rằng Chúa là một con người, một con người thật sự. Và con thấy Chúa đứng lên, kiên quyết hơn lần trước. Chúa không đứng lên với lòng kiêu hãnh; chẳng có sự kiêu hãnh nào trong cái nhìn của Chúa cả, chỉ có tình yêu. Trong khi tiếp tục cuộc hành trình của Chúa, đứng lên sau mỗi lần ngã, Chúa loan báo về sự phục sinh của Chúa. Chúa cho thấy rằng Chúa sẵn sàng, một lần nữa và luôn luôn thế, mang lấy trên đôi vai máu chảy của Chúa gánh nặng tội lỗi con người.
Qua việc ngã trở lại, Chúa gửi đến cho chúng con một thông điệp rõ ràng về sự khiêm nhường. Chúa ngã xuống đất, trên đất ấy (humus) mà từ đó chúng con “là những con người” được sinh ra. Chúng con là bụi, chúng con là bùn, chúng con chẳng là gì trong khi so sánh với Chúa. Nhưng Chúa lại muốn nên giống chúng con, và giờ đây Chúa cho thấy chính Chúa đang gần gũi chúng con, với những rắc rối của chúng con, những yếu hèn của chúng con, mồ hôi của chân mày của Chúa. Giờ đây, vào ngày Thứ Sáu này, như thường xảy ra với chúng con, Chúa đã bị choáng ngợp bởi sự u sầu. Nhưng Chúa có sức mạnh để tiến bước, Chúa không sợ những khó khăn mà cuộc sống này đặt ra, và Chúa biết rằng vào cuối cuộc vật lộn của Chúa thì có thiên đàng. Chúa đứng lên rõ ràng để đến đó, để mở ra trước mắt chungscon những cánh cửa nước Chúa. Chúa thật là vị vua lạ lùng biết bao, một vị vua nằm dưới bụi đất.
Đột nhiên con bị quăng vào trong sự bối rối: chúng con không xứng để so những nỗ lực của chúng con với những sự té ngã của Chúa. Những té ngã của Chúa là một sự hy sinh, hy lễ cao cả nhất mà mắt chúng con và cả lịch sử này chưa từng thấy.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin Chúa ban ơn để chúng con có thể sẵn sàng đứng lên sau khi té ngã, để chúng con biết học từ những thất bại của chúng con. Xin nhắc nhớ chúng con rằng, khi đến lượt chúng con phạm những sai lầm và ngã, nếu chúng con vẫn ở với Chúa, và nắm chặt lấy tay Chúa, thì chúng con có thể đứng lên trở lại. Xin ban cho chúng con để chúng con là những người trẻ biết mang lại cho mọi người thông điệp của sự khiêm nhường, để các thế hệ tương lai có thể mở mắt họ ra cho Chúa và học hiểu tình yêu của Chúa. Xin dạy chúng con biết giúp những người đang đau khổ và ngã ở cạnh chúng con, biết lau đi mồ hôi của họ, và giơ tay ra để nâng họ dậy. Lạy Cha...
CHẶNG THỨ TÁM
Chúa Giêsu Gặp Phụ Nữ Thành Jerusalem
(Tác giả: Sofia Russo)
Trích Tin Mừng theo Thánh Luca
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những lòng dạ không sinh không đẻ, những kẻ không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Ðổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?" (Lc 23:27-31)
SUY NIỆM
Con thấy Chúa và con nghe tiếng Chúa, Chúa Giêsu, khi Chúa nói với các phụ nữ mà Chúa gặp trên đường đi đến sự chết của Chúa. Mỗi ngày Chúa sẽ gặp nhiều người; Chúa đến gặp mọi người và trò chuyện với hết mọi người. Giờ đây Chúa đang nói với các phụ nữ thành Jerusalem, những người đang nhìn vào Chúa và than khóc. Con cũng là một trong những người phụ nữ này. Nhưng Chúa, Chúa Giêsu, đang nói những lời cảnh báo rằng đối với con thật đánh động: những lời ấy quá cụ thể và trực tiếp. Trước hết, chúng có vẻ như khắc nghiệt và khà khắc, nhưng đó là vì chúng quá trực tiếp. Ngày nay chúng con quen với một thế giới nơi mà người ta nói lòng vòng. Một sự giả hình dễ thương che đậy và sàng lọc điều mà chúng con thật sự muốn nói. Chúng con không sẵn lòng để sửa sai người khác. Chúng con thích để mặc họ với các thiết bị của họ hơn, không phiền để thách đố họ vì phần tốt của họ.
Trong khi đó Ngài, Chúa Giêsu, lại nói với các phụ nữ giống như một người cha, cũng quở trách họ. Những lời của Chúa là những lời sự thật và những lời ấy thẳng thắn chỉ vì một lý do là để chỉnh sửa, không phải kết án. Những lời của Chúa là ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mà chúng con nói. Chúa luôn nói bằng sự khiêm nhường và Chúa đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.
Trong cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ sau cùng của Chúa trước khi lên thập giá, một lần nữa chúng con thấy tình yêu vô biên của Chúa dành cho người bé mọn nhất, người bị loại trừ. Những người phụ nữ thời đó không được coi là xứng đáng để trò chuyện, trong khi Chúa, trong sự nhân từ của Chúa, lại thật sự mang tính cách mạng.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa ban ơn, để cùng với các người nam nữ của thế giới này, con có thể trở nên bác ái hơn với những người đang cần giúp đỡ, ngay cả như Chúa từng thế. Xin ban cho tất cả chúng con sức mạnh để đi ngược dòng và xây dựng những chiếc cầu chứ không khép lại bản thân trong sự ích kỷ vốn dẫn chúng con đến sự cô độc của tội lỗi. Lạy Cha...
Nguồn masimpress.com
CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG PHỤC SINH VÀ CHÚA NHẬT PHỤC SINH_B
SUY NIỆM ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
Sự Phục Sinh Của Đức Kitô Mạc Khải Phẩm Giá và Số Phận Của Con Người
Bài Suy Niệm 14 Đàng Thánh Giá 2018
Post A Comment:
0 comments: